(*) An Lão: Huyện An Lão thuộc vùng trung du tỉnh Bình Định, về mặt địa hình có đồi núi cao, có sông An Lão chảy qua, rừng An Lão có trữ lượng gỗ cao, nơi trồng nhiều hồ tiêu.
(*) An Thái: Ngôi làng thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng có nghề dệt lụa và nghề làm bún song thần.
(*) An Vinh: Ngôi làng thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Cùng với làng An thái dùng chung dòng nước sông Côn, trai giỏi võ nghệ, gái xinh đẹp đảm đang, được phản ánh qua câu thành ngữ: Trai An Thái, gái An Vinh.
(*) Ba Gò: Truông Ba Gò nằm ở phía Bắc thị xã Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Trước kia, đây là vùng cây cối rậm rạp, có nhiều giặc cướp và thú dữ.
(*) Ba La: Địa danh nay thuộc xã Nghĩa Dõng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, có nghề truyền thống là trồng rau xanh.
(*) Ba Lòng: Một xã thuộc huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.
(*) Ba Tri: Huyện thuộc tỉnh Bến Tre, có nghề dệt lụa. Con gái Ba Tri nổi tiếng vừa xinh đẹp lại vừa tháo vát.
(*) Ba Xã: Sau đổi thành Hậu Lộc, thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Theo các cụ truyền lại, ngày xưa ở Ba Xã có cây đa từ xa nhìn như cái dù, nên gọi là cây đa dù, ngày nay cây đa này không còn nữa. Xưa kia, ruộng đồng ở đây rộng, nhưng phần lớn tập trung vào tay địa chủ cường hào nên đời sống của người dân rất vất vả. Ngoài việc trồng lúa, Ba Xã còn trồng dưa gang.
(*) Bãi Bàng: Một bãi cát thuộc thôn Phú Ốc, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Bãi cát phân bố trên địa hình rộng bằng phẳng, trải dài trên 3 km từ Mũi Lớn ở hướng Nam đến núi Bãi Gốc ở hướng Bắc. Cát ở đây trắng mịn, độ dốc thoai thoải dần ra xa với nước biển luôn trong xanh, sạch và lặng sóng. Gắn với hai đầu Bãi Bàng, Phú Yên là những đồi núi đá chồng chất lên nhau với nhiều hang gộp, cùng những trảng cây xanh che phủ góp phần tôn thêm vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của khu vực này.
(*) Bến Tre: Một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Bến Tre có diện tích trồng lúa khá lớn, do phù sa sông Cửu Long bồi đắp, đặc biệt là ở Hàm Luông. Ngoài ra, Bến Tre có nhiều loại cây ăn trái như cam, quýt, sầu riêng, chuối, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, xoài cát, bòn bon, dứa, vú sữa, bưởi da xanh,... Trong chiến tranh, Bến Tre được coi là "quê hương Đồng khởi", mở đầu cho cao trào đấu tranh vũ trang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chống chế độ Ngô Đình Diệm, khốc liệt nhất là trong năm 1960.
(*) Cái Mơn: Xã Cái Mơn trước đây, nay là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Nơi đây nổi tiếng với những vườn cây ăn trái, được xem là vựa cây trái nổi tiếng nhất nhì vùng Nam Bộ.
(*) Cao Biền: Cao Biền, tên tự Thiên Lý, là một tướng lĩnh triều Đường, một nhân vật chính trị, người đầu tiên trở thành Tiết độ sứ của trị sở Tĩnh Hải quân trong lịch sử Việt Nam.
Theo dân gian Phú Yên, Cao Biền là một thầy Tàu, có tài về địa lý, phong thủy, thường cưỡi con diều giấy đi các nơi trấn yểm long mạch nước ta. Khi Cao Biền cưỡi diều bay tới đất Phú Yên thì người dân biết chuyện, ra sức chống cự, dùng tên bắn, Cao Biền bị trọng thương, diều gãy cánh rơi xuống. Người ta kể rằng con diều - có nơi nói là con quạ - bị bắn rơi xuống vẫy vùng trước khi chết làm thành một vùng trũng, sau này thành đầm Ô Loan. Còn Cao Biền thì rớt xuống chết ở vị trí nay là mả Cao Biền, đất cát vùi lấp thành gò.
(*) Cầu Đà Rằng: Cầu Đà Rằng bắc qua sông Ba (sông Đà Rằng), thuộc thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên. Đây là chiếc cầu dài nhất trên Quốc lộ 1A qua miền Trung.
(*) Cầu Đôi: Gồm cầu xe lửa và cầu ô tô được xây dựng song song nằm ở cửa ngõ dẫn vào thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
(*) Cầu Tam Giang: Cây cầu được xây dựng trên sông Tam Giang phía nam thị xã Sông Cầu, Phú Yên.
(*) Còng: Cua, tiếng địa phương.
(*) Cồn Lợi: Một cái cồn thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, nằm ở phía nam cửa Hàm Luông, tỉnh Bến Tre. Khoảng 30 năm về trước cồn còn cách bờ khoảng 3km, nay được bãi bồi nối liền với đất liền, trở thành bán đảo. Đây là một "mỏ nghêu" nổi tiếng của Bến Tre.
(*) Cù Mông: Xã Cù Mông cũ, nay là phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi.
(*) Chợ Ba Đồn: Chợ Ba Đồn thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, là một trong những chợ cổ nhất của tỉnh này, bề dày lịch sử hàng mấy thế kỷ, xuất hiện từ ngày có ba cái đồn do quân Trịnh lập nên. Ban đầu, cho là nơi quân lính đến gặp gỡ vui chơi, trao đổi mua bán, nhiều khi cũng là dịp để thao binh, luyện tướng…. Thân nhân của nhiều binh lính từ đất Bắc cũng lội suối, băng đèo tìm đến Ba Đồn để gặp gỡ, thăm nuôi chồng con, anh em. Từ một chợ nhỏ của một vùng quê, chợ dần dần đã biến thành một chợ lớn nổi tiếng khắp dải đất miền Trung. Chợ Ba Đồn hàng hóa phong phú và đa dạng, xưa mỗi tháng họp ba phiên vào các ngày mùng sáu, mười sáu, hai sáu âm lịch và chỉ họp một ngày thì tan; nay chợ có sáu phiên vào các ngày 1, 11, 21 và 6, 16, 26 âm lịch.
(*) Chợ Đèo: Một chợ thuộc xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày trước, chợ là trung tâm thương mại của cả khu vực phía tây Tuy An.
(*) Chợ Đồn: Chợ tại làng Vân Hòa, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Mỗi tháng chợ họp 9 phiên vào các ngày 3, 13, 23, 6, 16, 26, 9, 19, 29. Đông nhất vào mùa trái cây. Nay không còn chợ.
(*) Chợ Giã: Nằm ở thôn Xuân Phu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) Chợ Giữa: Một địa danh thuộc xã Mỹ Lồng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
(*) Chợ Kỳ Lộ: Thuộc xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Chợ nằm sát đường số 6 đi từ La Hai đến Phú Mỡ, họp mỗi tháng chín phiên, là trung tâm giao lưu trao đổi thổ sản giữa miền núi, đồng bằng và duyên hải.
(*) Chợ Lù: Một chợ thuộc xã Hồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
(*) Chợ Sen: Còn gọi là chợ Bà Sen, nằm ở thôn Định Trung, xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) Chợ Thành: Nằm ở thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) Chợ Xổm: Tên trước đây của chợ Phú Thạnh, thuộc thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Sở dĩ có tên chợ Xổm là vì ngày xưa dân các nơi đến Phú Thạnh lập nghiệp, họ đem sản phẩm mình làm ra trao đổi lấy về những vật dụng, thực phẩm cần thiết cho sinh hoạt, từ đó hình thành chợ mang tên chợ Xổm, do ngồi xổm để họp chợ.
(*) Don: Don không phải là đặc sản của riêng Quảng Ngãi, vì nó là loài hến nhỏ, sống nơi sông tiếp giáp với biển. Thế nhưng cách chế biến don của Quảng Ngãi lại nổi tiếng nhất, vì nó dân dã, dễ làm, nhưng để lại ấn tượng sâu nơi người ăn.
(*) Dốc Lau: Dốc trên đường từ xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa xuống xã An Lĩnh, huyện Tuy An. Hai bên dốc có nhiều cây lau. Tại đây có một xóm nhỏ thuộc làng Vân Hòa, xã Sơn Long, gọi là xóm Dốc Lau. Nay xóm không còn.
(*) Đa Lộc: Một xã miền núi nằm ở phía bắc huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên
(*) Đầm Cù Mông: Đầm Cù Mông là tên một vịnh biển nhỏ ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, Đầm Cù Mông dài nhưng hẹp, có diện tích khoảng 26,55 km². Đầm được bao bọc phía ngoài bởi khối núi Cù Mông chạy dài hơn 15 km ra biển tạo nên bán đảo Cù Mông với nhiều phong cảnh đẹp mắt.
(*) Đèo Cả: Một trong những đèo lớn và hiểm trở tại miền Trung Việt Nam, cắt ngang qua dãy núi Đại Lãnh ở chỗ giáp ranh của hai tỉnh Phú Yên (huyện Đông Hòa) và Khánh Hòa (huyện Vạn Ninh).
(*) Cù Mông: Đèo Cù Mông nằm trên Quốc lộ 1A, là một trong những đèo núi hiểm trở nhất Việt Nam, đường dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao, dễ gây ra tai nạn giao thông. Đèo là ranh giới của 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên, đồng thời là tuyến đường bộ đi qua một trong những nhánh đâm ra biển của dãy Trường Sơn Nam. Trước đây khi chưa có quốc lộ 1D thì đèo là con đường chính để qua lại giữa Bình Định và Phú Yên.
(*) Đèo Quán Cau: Thuộc thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nơi đây trước kia nuôi nhiều ngựa tốt.
(*) Đồng Môn: Một thôn ở xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ở
(*) Đường phổi: Đường phổi là món ăn đặc sản ngon và đậm đà vị ngọt thanh của tỉnh Quảng Ngãi, tên gọi là đường phổi vì hình dạng của nó giống lá phổi.
(*) Gò Điều: Một xóm thuộc thôn Phú Điềm, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) Giồng Trôm: Huyện thuộc tỉnh Bến Tre, nơi đồng ruộng phì nhiêu, là vựa thóc của tỉnh Bến Tre.
(*) Hòa Đa: Một thôn thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đây là một trong những trung tâm phát triển kinh tế và văn hóa của các thôn phía nam huyện Tuy An, ngoài nghề trồng lúa nước còn phải kể đến nghề làm bánh tráng. Bánh tráng Hòa Đa nổi tiếng vì bột mịn, bánh đều không chỗ dày chỗ mỏng và nhúng ăn rất dẻo, là một nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Phú Yên.
(*) Kẹo gương: Kẹo gương là loại kẹo đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi, màu vàng trong suốt óng ánh giống gương soi, có vị thơm ngon, lạ miệng. Kẹo gương làm bằng đường cát trắng, mạch nha, mè và đậu phụng.
(*) La Hà: Ngôi làng nằm trên cồn nổi giữa sông Gianh, thuộc xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Xưa kia, làng tuy nghèo khó, nhưng có truyền thống học hành khoa bảng, có nhiều người đỗ đạt làm quan to trong các triều đại phong kiến. Làng được liệt vào một trong tám bức tranh văn vật của Quảng Bình: “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim”.
(*) Làng Giành: Còn gọi là Ba Làng, thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
(*) Lỗ Quy: Một làng thuộc thôn Hòa Bình, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Nơi đây có đặc sản thuốc lá ngon.
(*) Mạch nha: Mạch nha là tên gọi dùng để chỉ loại mật dẻo được sản xuất từ ngũ cốc hay mạch nha (lúa mạch, đại mạch, hột lúa mạch mì đã có mầm, lúa, nếp...), có độ dẻo nhưng không dai, màu vàng sậm, vị ngọt thanh, thơm ngon mùi nếp.
(*) Mỏ Cày: Huyện Mỏ Cày (cũ), thuộc tỉnh Bến Tre; năm 2009 chia thành 2 huyện: Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Đây là nơi có đặc sản kẹo dừa, thuốc lào ngon.
(*) Mỹ Hòa: Xã thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
(*) Núi Bà, Bình Định: Thuộc địa phận huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
(*) Núi Bụt: Tên một ngọn núi thuộc địa phận xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
(*) Núi Câu Chữ: Còn gọi là núi Do Xuyên, thuộc địa phận xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
(*) Núi Chà Rang: Núi Chà Rang thuộc thôn Phú Điềm, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Núi không cao lắm và không có cây cổ thụ. Triền núi phía đông đất màu nâu, mấy mươi năm gần đây dân chúng phát chồi trồng mía, bắp, đậu… từ dưới chân núi lên gần tới đỉnh. Núi Chà Rang được biết đến bởi sự kiện tế cờ của các chí sĩ Cần Vương do Lê Thành Phương khởi xướng. Sau buổi lễ tế cờ, ông Lê Thành Phương được giới sĩ phu và nghĩa quân tôn lên làm Thống soái chỉ huy nghĩa quân.
(*) Núi Chóp Chài: Thuộc địa phận xã Bình Kiến, ngoại ô thành phố Tuy Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km về phía Tây Bắc. Đứng trên độ cao, từ xa trông về hướng núi thì Chóp Chài tựa như một chiếc chài đang khởi vãi trên mặt hồ rộng, vì vậy nên nó có tên chữ là Nựu Sơn (núi như cái nút nhỏ). Còn căn cứ vào hình dáng và thế núi thì nó còn có tên khác là Qui Sơn, bởi khi nhìn gần núi trông giống một con rùa đang thò cổ ra bò trên mặt đồng rộng, mà đầu quay ra quốc lộ. Do đó, Chóp Chài còn có tên gọi trong dân gian là hòn Cổ Rùa.
(*) Núi Đá Bia: Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian gọi là Núi Ông, là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy núi Đèo Cả, hiện ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên. Núi nổi tiếng vì tảng đá bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi mà cách xa vẫn có thể nhìn thấy. Tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chămpa, Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt (Việt Nam ngày nay) tại nơi này. Vì thế, núi được gọi là núi Đá Bia.
(*) Kiền Kiền: Một hòn núi thuộc tỉnh Bình Định. Hòn Kiền không cao lắm nhưng rậm rạp. Trên núi mọc toàn gỗ kiền kiền, là một thứ danh mộc quý giá.
(*) Núi Nhạn: Núi Nhạn, còn gọi là núi Nhạn Tháp, núi Bảo Tháp, núi Tháp Dinh hay núi Khỉ; là ngọn núi nhỏ nằm giữa đồng bằng Tuy Hòa, trên bờ bắc sông Đà Rằng, thuộc phường I, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Trên đỉnh núi có Tháp Nhạn, một tháp Chăm cổ.
(*) Núi Sơn Chà: Một núi nhỏ, cây cối thưa và thấp, nằm trong đồng bằng Sông Cái, thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) Tu Bông: Một ngọn núi thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Tên cũ của núi là Tu Hoa, do tên núi Hoa (Sơn) và sông Tô (Hà) hợp lại mà thành. Đời sau, do kiêng húy tên mẹ vua Thiệu Trị (Hoàng tỷ Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa) nên đổi Hoa thành Bông, tức là Tu Hoa thành Tu Bông. Do cấu tạo địa hình, nơi đây nổi tiếng nhiều gió, xưa cũng nổi tiếng có nhiều trầm hương.
(*) Nha Trang: Một thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Nha Trang được mệnh danh là hòn ngọc của biển Đông, Viên ngọc xanh vì giá trị thiên nhiên, vẻ đẹp cũng như khí hậu của nó.
(*) Phong Nẫm: Nay là một xã thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nằm ở ngã tư sông giữa kênh Giao Hòa và sông Ba Lai.
(*) Phú Dương: Một địa danh thuộc xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
(*) Phù Mỹ: Một huyện thuộc tỉnh Bình Định, nguyên là đất huyện Phù Ly cũ, năm 1983 chia làm hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát.
(*) Quán Đế: Một xóm trong thôn Bình Thạnh, nay thuộc xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
(*) Bà Hiền: Con rạch chảy qua địa bàn xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đổ ra cửa sông Hàm Luông.
(*) Sóc Sãi: Con rạch bắt đầu từ xã Tiên Thủy, Bến Tre, chảy ngang qua chợ Sóc Sãi rồi đổ ra sông Hàm Luông, hình dáng như một vòng cung.
(*) Sông Ba Lai: Một con sông lớn tại tỉnh Bến Tre, là ranh giới tự nhiên giữa cù lao An Hóa và cù lao Bảo.
(*) Sông Côn: Còn gọi là sông Kôn hoặc sông Kone, dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định, đổ ra vịnh Quy Nhơn và đầm Thị Nại.
(*) Sông Gianh: Còn gọi là Linh Giang, chảy trên địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hoá, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn để đổ ra biển Đông ở Cửa Gianh.
(*) Lại Giang: Sông Lại Giang là sông lớn thứ hai của tỉnh Bình Định, được hình thành từ sự hợp nhất của hai dòng sông là An Lão và Kim Sơn. Sông Lại Giang chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc và đổ ra biển Đông qua cửa An Dũ.
(*) Sông Thạch Hãn: Còn gọi Thạch Hàn, thuộc tỉnh Quảng Trị, chảy qua làng Thạch Hãn, huyện Hải Lăng rồi đổ ra biển ở Cửa Việt.
(*) Sông Trà Khúc: Con sông lớn nhất ở tỉnh Quảng Ngãi, phát nguồn từ núi Đắc Tơ Rôn với đỉnh cao 2.350 m do hợp nước của bốn con sông lớn là sông Rhe, sông Xà Lò (Selo), sông Rinh (Drinh), sông Tang (Ong).
(*) Sống Trâu: Một đoạn trên đường từ xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, ra xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Lối đi đắp cao giữa thung lũng, giống như xương sống con trâu.
(*) Tân Thủy: Xã thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, nằm ven biển.
(*) Tuy Hòa: Địa danh nay là thành phố Tuy Hòa trực thuộc tỉnh Phú Yên. Nơi đây được mệnh danh là vựa lúa của miền Trung, có nhiều thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng. Ngày nay, hoạt động kinh tế đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và du lịch.
(*) Thạnh Phong: Nay là một xã thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nằm bên cửa Cổ Chiên.
(*) Thạnh Phú: Huyện thuộc tỉnh Bến Tre, có Cồn Lợi nổi tiếng là một "mỏ nghêu".
(*) Tháp Đôi: Tọa lạc tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tháp Đôi là công trình kiến trúc cổ Chămpa được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa, gồm một tháp lớn và một tháp nhỏ đứng cạnh nhau, được xây dựng từ thế kỷ thứ 8.
(*) Thi Phổ: Một ngôi làng thuộc xã Lạc Phố, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, có nghề làm kẹo mạch nha.
(*) Thu Xà: Một ngôi làng thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, có nghề làm kẹo gương.
(*) Vạn Giã: Địa danh nay là một thị trấn nằm trong huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Nơi đây trên núi có nhiều trầm hương giá trị.
(*) Vạn Tượng: Làng nay thuộc xã Nghĩa Dõng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nổi tiếng với đặc sản là don.
(*) Xẻo Sâu: Một địa danh nay thuộc xã Tân Hưng, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.