(*) Á Lữ: Làng Á Lữ thuộc xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
(*) Ải Lao: Còn gọi là Sơn Lao thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Trước thế kỷ 19 là xã Sơn Lao thuộc tổng Sơn Giao, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc.
(*) Ái Nàng: Làng Ái Nàng thuộc xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là nơi giáp với vùng rừng núi của tỉnh Hòa Bình, khi mùa mưa đến thường bị nước rừng tràn về.
(*) An Dương: Làng An Dương thuộc xã Tân Tiến, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Xưa kia làng có nhiều người học giỏi đỗ đạt và có nhiều thầy đồ.
(*) An Ninh: Làng An Ninh thuộc xã An Ninh, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
(*) An Nội: Xưa có hai thôn An Nội, một gần Đồng Thành, một gần Cổ Vũ nên còn gọi là Yên Nội Đồng Thành, Yên Nội Cổ Vũ, nay là địa phận phố Hàng Da và Hàng Nón, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
(*) An Phú: Ngôi làng thuộc xã Nghĩa Độ, huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia làng An Phú có nghề nấu kẹo mạch nha.
(*) An Tử: Làng An Tử (cũ), nay là thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Là nơi trồng nhiều thuốc lào, xưa dùng để tiến vua.
(*) An Thái: Làng thuộc xã An Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Làng có nhiều nghề phụ như làm thuốc, buôn bán... Trước 1945, làng có tục ngày Tết, con rể mang biếu bố mẹ vợ bánh chưng, tết to và nặng hàng mấy chục cân.
(*) Áng Xứng: Tên Nôm là làng Đức Lực, thuộc xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
(*) Ba Chạ: Làng gồm ba thôn Đông, Sấu, Tháp thuộc vùng đất Liễu Đôi (Liêm Túc), huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam ngày nay. Nơi đây xưa có truyền thống võ vật, có nhiều đô vật nổi tiếng, thường được gọi là vật Liễu Đôi.
(*) Ba Gia: Một thôn thuộc xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
(*) Ba Hàng: Thôn thuộc xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nơi có truyền thống võ vật.
(*) Bá Nội: Làng thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
(*) Ba Xã: Một địa danh thuộc tỉnh Hà Bắc cũ.
(*) Bãi Sậy: Một địa danh lịch sử tại tỉnh Hưng Yên. Dưới thời Tự Đức, từ năm 1863 đến 1886, đê Văn Giang vỡ 18 lần. Cả một vùng rộng lớn Khoái Châu, Văn Giang, một phần Yên Mỹ, một phần Mỹ Hào, nước ngập mênh mông. Nhân dân trong vùng vừa chết đói, vừa ly tán đi nơi khác, làng xóm, đồng ruộng phì nhiêu thành bãi lau sậy, có chỗ cao tới ba thước, do đó, mới có tên gọi là Bãi Sậy. Bãi Sậy là một trong những trung tâm chống Pháp lớn nhất vào cuối thế kỷ XIX. Nơi đây đã nổ ra cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương, vào cuối thế kỉ 19 do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo.
(*) Bàn Mạch: Một làng thuộc xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, xưa có tên là làng Thùng Mạch. Làng có nghề rèn tồn tại từ lâu đời.
(*) Bến Cáu: Thuộc làng Hương Tảo, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
(*) Bích Chu: Một làng thuộc địa phận xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, có nghề đan nong, cót và nghề mộc.
(*) Cảnh Thụy: Làng thuộc xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, xưa dân thường làm nghề buôn bán, nhất là buôn bán tơ.
(*) Cương Nha: Thôn thuộc xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.
(*) Chợ Và: Chợ làng An Vệ thuộc xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Xưa ở cổng chợ có nhiều đám đánh bạc, xóc đĩa và quán uống rượu.
(*) Bà Đanh: Ngôi chùa ở làng Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945 khu vực chùa Bà Đanh nằm tách ra xa khu dân cư. Tại đây cây cối um tùm nên vắng người qua lại. Mỗi khi dân làng có việc phải lên chùa vào buổi tối lại phải đốt đuốc và gõ chiêng gõ trống để xua đuổi thú dữ. Chính vì vậy dân gian truyền tụng câu: "Vắng như chùa Bà Đanh".
(*) Chùa Quỳnh Lâm: Là một ngôi chùa cổ nổi tiếng thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, thuộc phạm vi Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều. Đây là một trong những trung tâm giáo hội Trúc Lâm thời Trần.
(*) Chùa Vĩnh Nghiêm: Còn được gọi là chùa Đức La, thuộc thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đây được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và là trung tâm Phật giáo thời Trần.
(*) Chùa Yên Tử: Là một quần thể di tích nằm trên núi Yên Tử, phía Tây Bắc của thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Quần thể Yên Tử bao gồm 10 ngôi chùa, trong đó tiêu biểu nhất là chùa Đồng, ngự trị trên đỉnh núi ở độ cao 1068m so với mực nước biển. Chùa Yên Tử có hàng trăm am, tháp mộ các thiền sư, tượng đá thiên tạo, bia phật. Đây là nơi phát tích của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần.
(*) Diệm Dương: Ngôi Làng thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Xưa kia con trai con gái làng này rất nghịch ngợm, nên không mấy khi có gánh hát nào dám đến làng này để biểu diễn.
(*) Đầu Ruồi: Còn gọi là làng Phấn Lôi Núi, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
(*) Đền Hùng: Là tên gọi khái quát của Khu di tích lịch sử Đền Hùng - quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua, gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương. Đền được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
(*) Đinh Xá: Ngôi làng thuộc xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
(*) Đô Tân: Làng Đô Tân thuộc xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội xưa nay được mệnh danh là Làng "nói phét".
(*) Đồng Cáu: Thuộc làng Hương Tảo, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, là nơi nhiều đồng ruộng, bờ bãi, thuận lợi cho việc cày cấy, trồng hoa màu.
(*) Đồng Cống: Thôn Đồng Cống thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Xưa là một làng nhỏ, người Công giáo chiếm tới hơn 80%, nên lương dân còn lại quá ít, không thể xây cất một ngôi đình riêng để thờ Thành Hoàng.
(*) Đồng Đoài: Làng Đồng Đoài, còn gọi là Đại Đồng Đoài, thuộc xã Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
(*) Đồng Đông: Làng Đồng Đông, còn gọi là Đại Đồng Đông, thuộc xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
(*) Đồng Lầm: Tên nôm của làng Kim Hoa, sau đổi thành Kim Liên, nay thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Xưa kia làng có nghề nhuộm vải nâu, có nhiều hồ ao lạch nên có nghề thả cá.
(*) Đông Loan: Làng Đông Loan thuộc xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Làng được mệnh danh là "làng nói tức", nơi người dân có thể nói tức để chọc cười bất kể lúc nào, bất kể người nào.
(*) Đồng Văn: Làng Đồng Văn, thuộc xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
(*) Đồng Văn: Làng Đồng Văn, còn gọi là Văn Thôn thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
(*) Hà Liễu: Làng thuộc xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
(*) Hang Cắc Cớ: Hang Cắc Cớ thuộc khu di tích chùa Thầy ở xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội). Đây là nơi tình tự của trai gái ngày xưa trong những ngày hội hè.
(*) Hang Chàm: Thuộc xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
(*) Hào mục: người có thế lực ở làng xã, thời phong kiến.
(*) Hội chợ Dưng: Lễ hội đền thờ Đức Ông, hay Lễ hội chợ Dưng, được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, tại đền thờ Đức Ông nằm bên cạnh đầm Dưng, xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Lễ hội được tổ chức với mong ước cả năm đó cuộc sống của người dân được ấm no, mùa màng tốt tươi.
(*) Kẻ Á: Làng Á Lữ thuộc xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nơi có lăng mộ Kinh Dương Vương. Hội làng Á Lữ mở vào tháng Giêng âm lịch, có tục rước nước vào tháng tám âm lịch.
(*) Kẻ Bãi: Tên Nôm của làng Phấn Lôi Hạ, thuộc xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Xưa có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa.
(*) Kẻ La: Làng La Cả nay thuộc địa phận phường Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội, nằm trong vùng “Bảy làng La ba làng Mỗ” ở phía tây thành Thăng Long xưa. La Cả từ xưa nổi tiếng là vùng quê có truyền thống hiếu học và khoa bảng, là một trong “tứ danh hương” của huyện Từ Liêm ngày trước. Theo các nguồn tài liệu thì làng có 7 người đỗ đại khoa qua các kỳ thi trong chế độ phong kiến.
(*) Nham Biền: Tên Nôm là làng Kem, thuộc xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
(*) Làng Am: Làng Khánh Am thuộc xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
(*) Làng Láng: Ngôi làng thuộc huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Nơi đây có chùa Láng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, hội chùa tổ chức vào tháng 3 âm lịch.
(*) Làng Vòng: Tên Nôm là làng Dịch Vọng, thuộc huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Làng có nghề làm cốm, gọi là "cốm Vòng".
(*) Cướp cầu: Ngày 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, lễ hội đả cầu cướp phết được tổ chức tại xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Tương truyền, vào thời vua Hùng, bốn vị tướng lĩnh tài giỏi gồm Đệ nhất Xá Sơn, Đệ nhị Lê Sơn, Đệ Tam Tròn Sơn, Đệ tứ Xui Sơn được cử về trấn ải miền Đông Lai, Bản Giản, Lập Thạch để dẹp loạn, dẹp giặc, hộ quốc phù dân. Trong thời gian trấn nhậm, để rèn luyện sức khỏe và tài khéo cho quân lính, các vị tướng đã nghĩ ra một trò chơi khá gai góc, đó là đẽo gọt một quả cầu gỗ tròn nhẵn tựa quả bưởi lớn, bôi dầu mỡ cho trơn rồi lăn ra giữa bãi cho quân lính tranh cướp, ai giành được quả cầu đem về đặt nơi qui ước sẽ được tưởng thưởng. Bởi vậy, hàng năm cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng nhân dân trong vùng lại nô nức tụ hội tham gia lễ hội đả cầu-cướp phết vừa để ghi nhớ công lao của bốn vị tướng anh hùng, vừa để cầu cho một năm mới nhiều may mắn, tốt lành.
(*) Liễu Đôi: Làng ở vùng đồng chiêm trũng thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Làng có truyền thống võ vật, vào ngày xuân có Hội xuân với Hội vật võ, Hội thi nấu ăn có tên “món ăn trình làng”. Sau khi làng chấm giải, món ăn được bán cho khách thập phương cùng thưởng thức. Trong hội xuân còn có tục làm bánh giầy rất to và rất công phu.
(*) Lỗ Trường: Một thôn thuộc xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
(*) Mật Ninh: Làng còn gọi là Dật Ninh, tên Nôm gọi làng Nếnh, thuộc xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
(*) Ninh Bình: Ninh Bình là một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc Việt Nam, thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng.
(*) Nội Hoàng: Nội Hoàng xưa kia là một làng nhất thôn nhất xã, thuộc huyện Yên Dũng, được đánh giá là một trong những ngôi làng cổ của tỉnh Bắc Giang. Cách thành phố Bắc Giang 5km về phía Nam, làng Nội Hoàng nằm giữa hai sườn Bắc và Nam của dãy núi Nham Biền nơi có dòng sông Thương và sông Cầu thơ mộng xuôi về phía Lục Đầu. Ở đây còn bảo lưu được nhiều nét văn hoá, phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp, thể hiện qua nhiều hình thức: các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, các lễ hội, truyền thuyết, các trò chơi dân gian. Người Nội Hoàng vẫn giữ được nếp sống truyền thống, của một làng quê Việt Nam.
(*) Ba Vì: Dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km. Nơi dây gắn liền với sự tích Sơn Tinh - Thủy Tinh.
(*) Dục Thúy: Dục Thúy Sơn, hay núi Non Nước là một ngọn núi nằm ngay trên ngã ba sông Vân với sông Đáy, kẹp giữa 2 cây cầu Non Nước và cầu Ninh Bình.
(*) Phố Ẻn: Một làng nay thuộc xã Vũ Yển, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, là nơi tụ hội của thuyền bè, dân cư sống bằng nghề buôn bán trên sông nước.
(*) Phú Cốc: Làng Phú Cốc thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
(*) Phù Lãng: Làng Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Làng có nghề làm đồ gốm sành truyền thống.
(*) Phú Thọ: Một tỉnh thuộc vùng đông bắc Việt Nam, được coi là vùng Đất tổ cội nguồn của Việt Nam. Tương truyền tại nơi đây các vua Hùng đã dựng nước nên nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của Việt Nam, với kinh đô là Phong Châu, tức xung quanh thành phố Việt Trì ngày nay.
(*) Sông Bạch Đằng: Còn gọi là Bạch Đằng Giang hay Sông Rừng, hiệu là sông Vân Cừ, là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), nằm trong hệ thống sông Thái Bình. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với ba chiến công của dân tộc Việt Nam: Trận thủy chiến của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938 đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, trận thủy chiến sông Bạch Đằng của Hoàng đế Lê Đại Hành năm 981 đập tan quân Tống và trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 1288 do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy đánh tan quân xâm lược Nguyên.
(*) Sông Bờ: Còn gọi sông Đà, là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam, tới Việt Nam chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nhập với sông Hồng ở "ngã ba sông" (Việt Trì, Phú Thọ).
(*) Sông Gâm: Sông Gâm, còn gọi là sông Gầm, là một phụ lưu của sông Lô bắt nguồn từ Quảng Tây, Trung Quốc chảy vào miền Bắc Việt Nam. Sông Gâm đổ vào sông Lô ở làng Cửa Sông, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, cách 10 km về phía bắc thành phố Tuyên Quang.
(*) Sông Mã: Sông Mã là một con sông của Việt Nam và Lào có chiều dài 512 km, chủ yếu chảy giữa vùng rừng núi và trung du. Phù sa sông Mã là nguồn chủ yếu tạo nên đồng bằng Thanh Hóa lớn thứ ba ở Việt Nam.
(*) Sông Thao: Dòng chính của sông Hồng, bắt nguồn từ Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, vào Việt Nam ở tỉnh Lào Cai, chảy đến ngã ba Hạc ở Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thì hợp lưu với sông Đà và sông Lô. Tại Việt Nam, sông chảy qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ.
(*) Tiên Lữ: Một xã ở phía nam của huyện Lập Thạch, tĩnh Vĩnh Phúc. Nơi đây từng được xem là một trong những nơi cư trú đầu tiên của người Việt từ thời các vua Hùng dựng nước. Một giai thoại kể rằng nơi đây từ có các tiên nữ mến cả cảnh núi non tươi đẹp, đã giáng trần xuống tắm và đi dạo trong một sơn động. Từ đó, con động được gọi là động Tiên Du và vùng đất này được gọi là Tiên Lữ.
(*) Tổng Hà Nam: Tên một tổng nay thuộc địa phận thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, xưa kia là một bãi bồi ở cửa sông Bạch Đằng.
(*) Tư Mại: Làng thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
(*) Văn Giang: Huyện Văn Giang (cũ) thuộc phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc, tên huyện xuất hiện vào thời Lê, thời Lý - Trần gọi là Tế Giang gồm 9 tổng.
(*) Vân Cầu: Làng Vân Cầu thuộc xã Song Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, là nơi có truyền thống làm tương ngon.
(*) Vân Giang: Một thôn thuộc xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, có nghề nấu rượu.
(*) Yên Thế: Một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang. Nơi đây diễn ra khởi nghĩa Yên Thế kéo dài 30 năm của Hoàng Hoa Thám chống thực dân Pháp (1885-1913).
(*) Yên Thư: Một thôn thuộc xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.