(*) An Bình: Xã An Bình thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
(*) An Bình: Cù lao giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, thuộc huyện Long Hồ, Vĩnh Long. Cù lao rộng khoảng 60km2, đất đai màu mỡ, được phù sa bồi đắp quanh năm, cây trái xanh tươi bát ngát. Nơi này có cảnh đẹp nên thơ và mang những nét văn hóa miệt vườn đặc trưng của vùng sông nước.
(*) An Giang: Một tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, (còn gọi là vùng Tây Nam Bộ).
(*) Bà Điểm: Làng thuộc huyện Hóc Môn, ngoại ô TP. Hồ Chí Minh, nổi tiếng có giống trầu ngon, nem ngon, và cũng là nơi có nhiều cô gái xinh đẹp, dịu hiền.
(*) Giồng Bà Lẫy: Thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Nơi đây văn hóa văn nghệ dân gian phong phú, đặc biệt là về hò đối đáp.
(*) Ba Tri: Huyện thuộc tỉnh Bến Tre, có nghề dệt lụa. Con gái Ba Tri nổi tiếng vừa xinh đẹp lại vừa tháo vát.
(*) Ba Vát: Một làng thuộc xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.
(*) Ba Xuyên: Là tên một tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ thời Việt Nam Cộng hòa, tỉnh lỵ là thị xã Khánh Hưng, tồn tại trong giai đoạn 1956-1975.
(*) Bãi Ngang: Địa danh thuộc tỉnh Tiền Giang.
(*) Bến Cái Trăng: Địa danh thuộc tỉnh Bến Tre.
(*) Bến Tre: Một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Bến Tre có diện tích trồng lúa khá lớn, do phù sa sông Cửu Long bồi đắp, đặc biệt là ở Hàm Luông. Ngoài ra, Bến Tre có nhiều loại cây ăn trái như cam, quýt, sầu riêng, chuối, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, xoài cát, bòn bon, dứa, vú sữa, bưởi da xanh,... Trong chiến tranh, Bến Tre được coi là "quê hương Đồng khởi", mở đầu cho cao trào đấu tranh vũ trang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chống chế độ Ngô Đình Diệm, khốc liệt nhất là trong năm 1960.
(*) Bình Đại: Huyện thuộc tỉnh Bến Tre, có nhiều sông, biển nên nhiều cá tôm.
(*) Bình Lương: Bình Lương Tên một ấp nay thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nằm bên dòng sông Cổ Chiên.
(*) Cái Mơn: Xã Cái Mơn trước đây, nay là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Nơi đây nổi tiếng với những vườn cây ăn trái, được xem là vựa cây trái nổi tiếng nhất nhì vùng Nam Bộ.
(*) Cao Lãnh: Thuộc tỉnh Đồng Tháp, là một nơi chuyên sản xuất thuốc lá và có giống gà tốt.
(*) Cầu Ba Lai: Cầu qua sông Ba Lai, thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
(*) Rạch Miễu: Cầu dây văng nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Bờ bắc của cầu là thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, bờ nam là huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách thành phố Bến Tre 10 km.
(*) Châu Thành: Huyện nằm ở phía bắc tỉnh Bến Tre.
(*) Chợ Ba Tri: Chợ thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là trung tâm trao đổi hàng hóa, nông sản của nhân dân quanh vùng.
(*) Chợ Giồng: Một địa danh hiện thuộc thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
(*) Chợ Giữa: Một địa danh thuộc xã Mỹ Lồng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
(*) Chợ Lách: Huyện nằm ở phía tây tỉnh Bến Tre, phía bắc là con sông Hàm Luông, phía nam là sông Cổ Chiên, phía tây là huyện Long Hồ.
(*) Chợ Mỹ Lồng: Còn gọi là chợ Mỹ thuộc xã Mỹ Thạch, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, là chợ đông vui sầm uất, buôn bán nhiều đặc sản Nam Bộ.
(*) Chợ Thơm: Một chợ thuộc xã An Thạch, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.
(*) Chợ Vĩnh: Chợ trung tâm tỉnh Vĩnh Long hiện nay, thuộc hàng lớn nhất các tỉnh miền Tây, từ xưa đã có tiếng là tấp nập. Hiện nay chợ Vĩnh Long là đầu mối nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây.
(*) Đồng Nai: Một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, là một tỉnh cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ – vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước.
(*) Giồng Trôm: Huyện thuộc tỉnh Bến Tre, nơi đồng ruộng phì nhiêu, là vựa thóc của tỉnh Bến Tre.
(*) Hóc Môn: Hóc Môn là một huyện ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh. Huyện nằm ở giữa Quận 12 và huyện Củ Chi.
(*) Láng Lộc: Còn gọi là bến Vàm Láng thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
(*) Mỏ Cày: Huyện Mỏ Cày (cũ), thuộc tỉnh Bến Tre; năm 2009 chia thành 2 huyện: Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Đây là nơi có đặc sản kẹo dừa, thuốc lào ngon.
(*) Mỹ Lồng: Làng thuộc xã Mỹ Thạch, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nơi có nghề làm bánh tráng (bánh đa) bằng bột gạo tẻ tráng với nước cốt dừa.
(*) Núi Bà Đen: Một ngọn núi nằm trong quần thể di tích văn hóa lịch sử núi Bà Đen, được biết đến bởi phong cảnh hữu tình và nhiều huyền thoại tại Tây Ninh.
(*) Núi Ba Thê: Núi thuộc huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang, là nơi có nhiều cảnh đẹp.
(*) Ngã Ba Giồng: Hệ thống ba giồng cát chạy dài từ huyện Châu Thành, Cai Lậy đến Cái Bè thuộc tỉnh Tiền Giang.
(*) Nguyễn Văn Tồn: Ông Điều Bát là ông Nguyễn Văn Tồn, người Khmer, đã có công rất lớn với vùng đất Trà Ôn, nên được nhân dân xây lăng để thờ tự. Lăng được gọi là Lăng Ông Tiền Quân Thống chế Điều bát, gọi đúng theo chức danh ông đã được sắc phong. Lăng nằm ở xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Hằng năm, vào các ngày mồng 3 và mồng 4 tháng giêng âm lịch, người dân Trà Ôn đều tổ chức giỗ Ông Tồn với nhiều nghi thức truyền thống độc đáo.
(*) Song Phước: Nay là xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Con trai nơi đây có tiếng là khỏe mạnh.
(*) Sông Ba Lai: Một con sông lớn tại tỉnh Bến Tre, là ranh giới tự nhiên giữa cù lao An Hóa và cù lao Bảo.
(*) Cổ Chiên: Sông Cổ Chiên là một phân lưu của sông Tiền, dài khoảng 82 km, làm thành ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh với Bến Tre.
(*) Cửu Long: Sông Cửu Long, hay Cửu Long Giang là tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ của Việt Nam.
(*) Sông Hàm Luông: Là một phân lưu của sông Tiền chảy qua tỉnh Bến Tre, đổ ra Biển Đông tại cửa Hàm Luông. Sông có chiều dài khoảng 70 km, giữa sông có các cù lao lớn như cù lao Đất, cù lao Linh, cù lao Ốc. Sông có tên gốc là Hàm Long, nhưng dưới thời phong kiến Nhà Nguyễn, do "kỵ húy" để tránh chữ Long (Long là rồng, tượng trưng cho nhà vua), người ta gọi chệch là Luông và lâu ngày thành quen. Vùng sông Hàm Luông trù phú với những miệt vườn cây trái sum xuê, nơi đây có đặc sản măng cụt ngọt như đường phèn.
(*) Tân Tạo: Một con sông chảy ngang qua huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
(*) Tiền Giang: Sông Tiền hay Tiền Giang là nhánh hạ lưu bên trái của sông Mê Kông, chảy từ đất Campuchia vào đồng bằng sông Cửu Long, qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre, rồi đổ ra biển Đông.
(*) Sơn Đốc: Thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Nơi đây chuyên làm bánh phồng nếp.
(*) Thạnh Phú: Huyện thuộc tỉnh Bến Tre, có Cồn Lợi nổi tiếng là một "mỏ nghêu".
(*) Trà Ôn: Một huyện của tỉnh Vĩnh Long, nằm về hướng đông, cách thành phố Vĩnh Long khoảng 40 km.
(*) Trà Vinh: Vùng lãnh thổ ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Nơi đây có kho tàng văn hóa đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer.
(*) Xóm Dưa: Địa danh ngày trước thuộc làng Hộ Phước, tổng Minh Đạt, tỉnh Bến Tre, nay là ấp An Quới, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.