(*) An Lãng: Làng An Lãng, tên Nôm gọi là làng Ráng, thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
(*) An Ninh: Làng An Ninh thuộc xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Làng có nghề mây tre đan tinh xảo, đặc biệt là đan giành.
(*) An Phú: Ngôi làng thuộc xã Nghĩa Độ, huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia làng An Phú có nghề nấu kẹo mạch nha.
(*) An Thái: Ngôi làng thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng có nghề dệt lụa và nghề làm bún song thần.
(*) Anh Sơn: Phủ Anh Sơn cũ, nay là huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống hát phường vải.
(*) Ba La: Địa danh nay thuộc xã Nghĩa Dõng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, có nghề truyền thống là trồng rau xanh.
(*) Ba Voi: Gò Ba Voi thuộc xã Kim Chân, tỉnh Bắc Ninh.
(*) Ba Xã: Một địa danh thuộc tỉnh Hà Bắc cũ.
(*) Bạch Hạc: Huyện Bạch Hạc (cũ) thuộc tỉnh Phú Thọ. Nơi đây có giống hồng ăn quả ngon nổi tiếng, thường được gọi là hồng Bạch Hạc hay Hồng Hạc.
(*) Bàn Giản: Một xã thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
(*) Bàn Mạch: Một làng thuộc xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, xưa có tên là làng Thùng Mạch. Làng có nghề rèn tồn tại từ lâu đời.
(*) Bích Chu: Một làng thuộc địa phận xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, có nghề đan nong, cót và nghề mộc.
(*) Bình Định: Một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, hàng trăm năm trước từng là cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam.
(*) Bồ Địch: Ngôi làng thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là nơi sản xuất nhiều chiếu cói và mành tre.
(*) Cầu Quan: Địa danh nay thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Tại đây vào thời nhà Lê có họp chợ trên bờ sông, và hàng năm đến đầu mùa xuân thì có tục bơi thuyền rồng.
(*) Chàng Lía: Chàng Lía là một anh hùng dân gian xuất thân từ kẻ cùng đinh, vùng dậy đem tài năng võ nghệ siêu quần của mình tập hợp lâu la lấy của nhà giàu chia cho người nghèo. Thanh thế chàng Lía vang động cả dải Nam Trung bộ hồi đầu thế kỷ 18, được xem là cánh én trên vòm trời chế độ phong kiến suy vi, báo hiệu cho mùa xuân phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn sau này. Hành trạng của chàng Lía đã phổ biến sâu rộng ở Đàng Trong thời điểm ấy và kéo dài qua nhiều thế hệ qua lối nói thơ, hát kể.
(*) Chùa Bà: Ngôi chùa thuộc làng An Thái, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
(*) Chùa Dâu: Chùa Dâu nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là ngôi chùa được đánh giá là xưa nhất Việt Nam.
(*) Chùa Quỳnh Lâm: Là một ngôi chùa cổ nổi tiếng thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, thuộc phạm vi Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều. Đây là một trong những trung tâm giáo hội Trúc Lâm thời Trần.
(*) Chùa Vĩnh Nghiêm: Còn được gọi là chùa Đức La, thuộc thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đây được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và là trung tâm Phật giáo thời Trần.
(*) Chùa Yên Tử: Là một quần thể di tích nằm trên núi Yên Tử, phía Tây Bắc của thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Quần thể Yên Tử bao gồm 10 ngôi chùa, trong đó tiêu biểu nhất là chùa Đồng, ngự trị trên đỉnh núi ở độ cao 1068m so với mực nước biển. Chùa Yên Tử có hàng trăm am, tháp mộ các thiền sư, tượng đá thiên tạo, bia phật. Đây là nơi phát tích của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần.
(*) Don: Don không phải là đặc sản của riêng Quảng Ngãi, vì nó là loài hến nhỏ, sống nơi sông tiếp giáp với biển. Thế nhưng cách chế biến don của Quảng Ngãi lại nổi tiếng nhất, vì nó dân dã, dễ làm, nhưng để lại ấn tượng sâu nơi người ăn.
(*) Đền A Sào: Tọa lạc tại xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, là nơi thờ cúng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Hằng năm, vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Hưng Đạo Vương, để ghi nhớ công ơn của Hưng Đạo Vương, dân làng A Sào đều mở hội tế lễ Đức Thánh Trần tại Đệ nhị sinh từ và lễ hội làng A Sào là một trong những lễ hội lớn nhất vùng.
(*) Đồng Cống: Thôn Đồng Cống thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Xưa là một làng nhỏ, người Công giáo chiếm tới hơn 80%, nên lương dân còn lại quá ít, không thể xây cất một ngôi đình riêng để thờ Thành Hoàng.
(*) Đông Hồ: Ngôi làng thuộc xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
(*) Đường phổi: Đường phổi là món ăn đặc sản ngon và đậm đà vị ngọt thanh của tỉnh Quảng Ngãi, tên gọi là đường phổi vì hình dạng của nó giống lá phổi.
(*) Giếng Vuông: Ngôi làng thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là nơi sản xuất nhiều chiếu cói và mành tre.
(*) Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Phú Thọ: Lễ Giỗ tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch diễn ra tại Phú Thọ là một trong những lễ hội quan trọng của đất nước để tưởng nhớ công ơn của các vị vua Hùng.
(*) Hang Cắc Cớ: Hang Cắc Cớ thuộc khu di tích chùa Thầy ở xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội). Đây là nơi tình tự của trai gái ngày xưa trong những ngày hội hè.
(*) Hang Cắc Cớ: Hang Cắc Cớ thuộc khu di tích chùa Thầy ở xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội). Đây là nơi tình tự của trai gái ngày xưa trong những ngày hội hè.
(*) Bơi Đăm: Lễ hội bơi Đăm diễn ra từ mồng 9 đến 11 tháng Ba âm lịch là một hoạt động văn hóa tâm linh của người làng Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhằm tưởng nhớ đến Thành hoàng làng Bạch Hạc Tam Giang, vị thần che chở, chăm lo việc nước nôi cho dân cày cấy.
(*) Chọi Trâu: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, còn gọi là đấu ngưu, là một tập tục cổ, có từ xa xưa, một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng; diễn ra vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch hàng năm.
(*) Hội chợ Dưng: Lễ hội đền thờ Đức Ông, hay Lễ hội chợ Dưng, được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, tại đền thờ Đức Ông nằm bên cạnh đầm Dưng, xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Lễ hội được tổ chức với mong ước cả năm đó cuộc sống của người dân được ấm no, mùa màng tốt tươi.
(*) Chùa Keo: Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Một năm chùa mở hội 2 lần, đó là Hội Xuân vào ngày mồng 4 tết Nguyên Đán và Hội chính mùa thu, từ ngày 13 đến ngày 15/9 âm lịch. Hội tháng 9 gắn liền với sự tích của Không Lộ Thiền Sư (13-9 là 100 ngày mất của ngài, còn 14 tháng 9 là ngày sinh).
(*) Hội Láng: Hội chùa Láng được mở vào ngày 7/3 âm lịch tại ngôi chùa của làng Láng thuộc phường Láng Thượng quận Đống Đa, Hà Nội. Tương truyền đó là ngày sinh cùa Thiền sư Từ đạo Hạnh vị thánh của làng Láng, người được dân làng thờ phụng tại ngôi chùa này.
(*) Hội chùa Tây: Nằm trên đỉnh núi Câu Lậu, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội, chùa Tây Phương là công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc, tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thời Hậu Lê, đặc biệt với kiệt tác 62 pho tượng Phật cổ được công nhận là bảo vật Quốc gia. Bắt đầu từ ngày 6/3 - ngày khai hội chính, đến ngày 10/3 hội chùa Tây Phương được tổ chức với nhiều tiết mục sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như hát chèo, quan họ, các trò chơi dân gian, kéo co, đấu vật...
(*) Hội chùa Thầy: Được lập từ thời nhà Đinh (968 - 980), ngay chân núi Thầy trên thế đất rồng của xứ Đoài xưa (nay thuộc làng Hoàng Xá, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội), Chùa Thầy là ngôi chùa thuộc hàng cổ kính nhất Việt Nam. Hội chùa Thầy hằng năm diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Ba âm lịch, thu hút tăng ni phật tử cùng du khách từ khắp nơi đến tham quan, trẩy hội.
(*) Hội Dâu: Chùa Dâu nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là ngôi chùa được đánh giá là xưa nhất Việt Nam. Hội chùa mở vào ngày mồng 8 tháng tư đó là ngày sinh của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Hội Dâu là hội của dân cư nông nghiêp, ý nghĩa quan trọng nhất của Hội Dâu là cầu cho mưa thuận gió hòa, ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.
(*) Hội Đổ giàn: Chùa Bà có hội Đổ giàn được tổ chức vào ngày lễ Vu Lan, mang ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ của đất Tây Sơn - Bình Định. Giàn là một cái đài cao bằng tre, trên để các lễ vật như dê, gà, lợn quay. Cuối ngày hội thường có hát bội và tục "tranh heo", người chủ bái từ trên giàn cao, sau khi xướng xong, tung heo quay xuống đất. Các võ sĩ chờ sẵn phía dưới, tung mình đón bắt con heo rồi vượt đám đông chạy ra ngoài. Giành được heo xem như là một vinh dự lớn cho làng giành được.
(*) Rã La: Làng La Khê, La Cả nay thuộc quận Hà Đông, TP. Hà Nội có tục tắt đèn vào đêm rã đám hội làng.
(*) Rước Giá: Lễ hội làng Giá được tổ chức từ ngày 10 đến 26/3 âm lịch hàng năm. Làng Giá, thuở trước có tên là Kẻ Sở, sau đó đổi là Cổ Sở và nay là đất thuộc hai xã Đắc Sở và Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội).
(*) Trường Yên: Hội Trường Yên là lễ hội lớn nhất tỉnh Ninh Bình diễn ra tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, kinh đô của nước Đại Cồ Việt xa xưa. Lễ hội được công nhận là lễ hội truyền thống cấp quốc gia vào năm 2015. Trước đây hội Trường Yên được tổ chức vào ngày 15/2 (âm lịch) hàng năm nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Tuy nhiên, những năm trở lại đây Lễ hội được tổ chức vào dịp đầu tháng 3 (âm lịch) hàng năm và đổi tên thành Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư.
(*) Hội Vật: Làng Liễu Đôi ở vùng đồng chiêm trũng thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, vào ngày xuân có Hội xuân với Hội vật võ, Hội thi nấu ăn có tên “món ăn trình làng”. Sau khi làng chấm giải, món ăn được bán cho khách thập phương cùng thưởng thức.
(*) Hương La: Thôn Hương La, huyện Lương Tài, Bắc Ninh
(*) Kẻ Dầu: Làng Dầu, còn gọi là làng Đạo Chân, thuộc xã Kim Chân, tỉnh Bắc Ninh. Quán Đình Thanh vốn ở cánh đồng Bờ Thành, liên quan đến truyền thuyết Thánh Gióng. Hội làng Đạo Chân diễn ra vào ngày 18 - ngày 20 tháng mười âm lịch, có tục đua thuyền, thi giã bánh giầy, rước tượng thần Thành hoàng.
(*) Kẻ Rủi: Còn gọi là làng Kim Đôi, thuộc xã Kim Chân, tỉnh Bắc Ninh.
(*) Kẹo gương: Kẹo gương là loại kẹo đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi, màu vàng trong suốt óng ánh giống gương soi, có vị thơm ngon, lạ miệng. Kẹo gương làm bằng đường cát trắng, mạch nha, mè và đậu phụng.
(*) Diệc: Ngôi làng thuộc xã Tân Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
(*) Làng Láng: Ngôi làng thuộc huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Nơi đây có chùa Láng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, hội chùa tổ chức vào tháng 3 âm lịch.
(*) Vế: Ngôi làng thuộc xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, có nghề thợ mộc chuyên làm các công trình kiến trúc cổ như đình, chùa, đền, miếu.
(*) Làng Vòng: Tên Nôm là làng Dịch Vọng, thuộc huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Làng có nghề làm cốm, gọi là "cốm Vòng".
(*) Cướp cầu: Ngày 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, lễ hội đả cầu cướp phết được tổ chức tại xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Tương truyền, vào thời vua Hùng, bốn vị tướng lĩnh tài giỏi gồm Đệ nhất Xá Sơn, Đệ nhị Lê Sơn, Đệ Tam Tròn Sơn, Đệ tứ Xui Sơn được cử về trấn ải miền Đông Lai, Bản Giản, Lập Thạch để dẹp loạn, dẹp giặc, hộ quốc phù dân. Trong thời gian trấn nhậm, để rèn luyện sức khỏe và tài khéo cho quân lính, các vị tướng đã nghĩ ra một trò chơi khá gai góc, đó là đẽo gọt một quả cầu gỗ tròn nhẵn tựa quả bưởi lớn, bôi dầu mỡ cho trơn rồi lăn ra giữa bãi cho quân lính tranh cướp, ai giành được quả cầu đem về đặt nơi qui ước sẽ được tưởng thưởng. Bởi vậy, hàng năm cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng nhân dân trong vùng lại nô nức tụ hội tham gia lễ hội đả cầu-cướp phết vừa để ghi nhớ công lao của bốn vị tướng anh hùng, vừa để cầu cho một năm mới nhiều may mắn, tốt lành.
(*) Liễu Đôi: Làng ở vùng đồng chiêm trũng thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Làng có truyền thống võ vật, vào ngày xuân có Hội xuân với Hội vật võ, Hội thi nấu ăn có tên “món ăn trình làng”. Sau khi làng chấm giải, món ăn được bán cho khách thập phương cùng thưởng thức. Trong hội xuân còn có tục làm bánh giầy rất to và rất công phu.
(*) Mạch nha: Mạch nha là tên gọi dùng để chỉ loại mật dẻo được sản xuất từ ngũ cốc hay mạch nha (lúa mạch, đại mạch, hột lúa mạch mì đã có mầm, lúa, nếp...), có độ dẻo nhưng không dai, màu vàng sậm, vị ngọt thanh, thơm ngon mùi nếp.
(*) Mật Ninh: Làng còn gọi là Dật Ninh, tên Nôm gọi làng Nếnh, thuộc xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
(*) Mỳ Quảng: Mỳ có sợi mỳ được làm từ bột gạo chứ không phải bột mỳ. Người dân Quảng Nam rất tâm đắc với món ăn này, bởi lẽ nó là sự sáng tạo và cũng là niềm tự hào của những con người xứ Quảng. Nhiều người gốc Quảng Nam đi nơi khác sinh sống, lập nghiệp, vào ngày lễ tết vẫn nấu món mì này cho người thân và gia đình thưởng thức, như một cách những con người xa quê nhớ về nguồn cội.
(*) Nam Đàn: Huyện thuộc tỉnh Nghệ An, là nơi sản xuất tương ngon nổi tiếng.
(*) Ngân Cầu: Làng Ngân Cầu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
(*) Phú Thọ: Một tỉnh thuộc vùng đông bắc Việt Nam, được coi là vùng Đất tổ cội nguồn của Việt Nam. Tương truyền tại nơi đây các vua Hùng đã dựng nước nên nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của Việt Nam, với kinh đô là Phong Châu, tức xung quanh thành phố Việt Trì ngày nay.
(*) Quảng Nam: Một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam.
(*) Sông Trà Khúc: Con sông lớn nhất ở tỉnh Quảng Ngãi, phát nguồn từ núi Đắc Tơ Rôn với đỉnh cao 2.350 m do hợp nước của bốn con sông lớn là sông Rhe, sông Xà Lò (Selo), sông Rinh (Drinh), sông Tang (Ong).
(*) Thi Phổ: Một ngôi làng thuộc xã Lạc Phố, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, có nghề làm kẹo mạch nha.
(*) Thu Xà: Một ngôi làng thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, có nghề làm kẹo gương.
(*) Vạn Đình: Thôn Vạn Đình thuộc xã Kim Chân, tỉnh Bắc Ninh.
(*) Vạn Tượng: Làng nay thuộc xã Nghĩa Dõng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nổi tiếng với đặc sản là don.
(*) Vân Giang: Một thôn thuộc xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, có nghề nấu rượu.