(*) An Cựu: Làng An Cựu thuộc thành phố Huế, nơi sản xuất nhiều gạo ngon.
(*) An Dạ: Làng An Dạ thuộc xã Gia An, huyện Bến Hải, tỉnh Quảng Bình. Trước năm 1975 là nơi có phong trào kháng chiến chống Mỹ phát triển mạnh.
(*) An Hòa: Xã An Hòa thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
(*) Ba Đình: Chiến lũy của nghĩa quân do Đinh Công Tráng chỉ huy và xây dựng để chống thực dân Pháp, nay thuộc xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Vùng đất Ba Đình xưa có địa thế phòng thủ rất tốt, chung quanh có lũy tre dày phủ kín, nằm giữa một cánh đồng bao la trũng nước, từ đây có thể khống chế được quốc lộ 1, nơi yết hầu của giặc Pháp từ Bắc vào Trung.
(*) Bãi Sậy: Một địa danh lịch sử tại tỉnh Hưng Yên. Dưới thời Tự Đức, từ năm 1863 đến 1886, đê Văn Giang vỡ 18 lần. Cả một vùng rộng lớn Khoái Châu, Văn Giang, một phần Yên Mỹ, một phần Mỹ Hào, nước ngập mênh mông. Nhân dân trong vùng vừa chết đói, vừa ly tán đi nơi khác, làng xóm, đồng ruộng phì nhiêu thành bãi lau sậy, có chỗ cao tới ba thước, do đó, mới có tên gọi là Bãi Sậy. Bãi Sậy là một trong những trung tâm chống Pháp lớn nhất vào cuối thế kỷ XIX. Nơi đây đã nổ ra cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương, vào cuối thế kỉ 19 do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo.
(*) An Dụ: Bến An Dụ thuộc thôn An Dụ (tên cũ gọi là An Hựu), xã Khởi Nghĩa, huyện Yên Lãng, thành phố Hải Phòng. Năm 1945, tự vệ xã Khởi Nghĩa cùng với làng An Miệt kết hợp đánh chiếm nhiều tàu chở dầu của Nhật ở bến An Dụ.
(*) Biện Thượng: Một làng cổ thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, đời Đồng Khánh vì kị huý đổi là Bồng Sơn. Làng có nhà và mộ Trịnh Kiểm, là người mở đầu sự nghiệp nắm quyền của họ Trịnh thời Hậu Lê.
(*) Cương Nha: Thôn thuộc xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.
(*) Dốc Đồng Tranh: Dốc dài trên đường núi từ xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, qua xã An Thọ, huyện Tuy An lên xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Dốc Lỗ Chài: Dốc dài và quanh co trên đường núi từ xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa qua xã An Thọ, huyện Tuy An lên xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Đầm Ô Loan: Đầm nước lợ thuộc huyện Tuy An, nằm chính giữa và thuộc địa phận các xã An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Hải, An Ninh, An Thạch, thị trấn Chí Thạnh. Đầm rộng khoảng 1.200 ha. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, Ô Loan giống như con phượng đang xòe cánh, còn trên bản đồ, Ô Loan giống như con thiên nga đang thong thả bay. Nơi đây có món đặc sản là sò huyết.
(*) Ba Dội: Tức đèo Tam Điệp, tổ hợp đèo trên núi Tam Điệp ở ranh giới tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, Việt Nam. Đèo Ba Dội là tên Nôm của đèo Tam Điệp, xuất hiện trong thơ Hồ Xuân Hương, trong tiếng Việt cổ có nghĩa là ba đợt, ba lớp.
(*) Đèo Hải Vân: Còn có tên là đèo Ải Vân vì trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải, hay đèo Mây vì đỉnh đèo thường có mây che phủ, cắt ngang dãy núi Bạch Mã (là một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển) ở giữa ranh giới tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng.
(*) Đinh Công Tráng: Đinh Công Tráng (1842 - 1887) là lãnh tụ chính của khởi nghĩa Ba Đình trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở cuối thế kỷ XIX tại Việt Nam.
(*) Đông Ba: Một địa danh ở Huế, vốn là tên dân gian của cửa Chính Đông, kinh thành Huế. Địa danh này gắn liền với chợ Đông Ba, ngôi chợ nổi tiếng nhất của Huế.
(*) Gò Dinh: Gò cỏ ở xóm Quán Lê, thuộc thôn Phong Hậu, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Năm 1885, Lê Thành Phương khởi nghĩa hưởng ứng lời kêu gọi Cần Vương, dự định xây dựng căn cứ sơn phòng tại đây, nhưng việc chưa thành, ông bị Pháp bắt và xử tử năm 1887. "Dinh" nghĩa là doanh trại của Lê Thành Phương, là bắt nguồn của tên Gò Dinh.
(*) Gia Hội: Cầu bắc qua sông Đông Ba thuộc thành phố Huế, tên cũ là An Hội, năm Minh Mạng thứ 18 (1837) đổi thành Gia Hội.
(*) Giồng Trôm: Huyện thuộc tỉnh Bến Tre, nơi đồng ruộng phì nhiêu, là vựa thóc của tỉnh Bến Tre.
(*) Lê Thái Tổ: Tên thật là Lê Lợi, là vị hoàng đế đầu tiên của triều Hậu Lê. Ông khởi xướng khởi nghĩa Lam Sơn, tự xương là Bình Định Vương, chiến đấu chống lại sự xâm chiếm của quân đội nhà Minh từ năm 1418 cho đến lúc đánh đuổi hoàn toàn quân Minh ra khỏi Đại Việt vào năm 1428. Ông được coi là vị vua huyền thoại của Đại Việt không chỉ bởi tài năng quân sự, mà còn bởi tài cai trị, đã lãnh đạo người dân Đại Việt xây dựng và tái thiết lại một đất nước điêu tàn khi bị quân đội nhà Minh phá hủy mọi thứ.
(*) Lê Thành Phương: Thường gọi Tú Phương, là người lãnh đạo cuộc chống Pháp tại Phú Yên năm 1885-1887, bị thực dân Pháp và Nam triều xử tử năm 1887.
(*) Mai Xuân Thưởng: Một sĩ phu và lãnh tụ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 ở Bình Định. Ông sinh năm 1860 tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Năm 1885 ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, trở về quê Phú Lạc chiêu mộ nghĩa sĩ, lập căn cứ chiến đấu, đến năm 1887 thì cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị giặc bắt và xử trảm tại Gò Chàm (phía đông thành Bình Định cũ). Thi hài ông sau đó được đưa về táng tại Cây Muồng, thuộc thôn Phú Lạc.
(*) Ba Rền: Dãy núi Ba Rền là một dãy núi án ngự ở phía Đông của khu quần thể Di sản thiên nhiên thế giới vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Từ Tp. Đồng Hới trông về hướng Tây, dãy núi Ba Rền trải dài trùng điệp một màu xanh ngắt, đỉnh cao nhất của dãy núi này có hình dáng như khối u trên lưng của một con bò nên cái tên “đỉnh U Bò” từ lâu đã được người dân địa phương gọi cho đến bây giờ.
(*) Lam Sơn: Còn gọi là núi Chàm, thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh.
(*) Nguyễn Đình Chiểu: Tục gọi là Đồ Chiểu (khi dạy học), là nhà thơ lớn nhất của miền Nam Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 19. "So với các trước tác của các nhà văn cùng thời, Nguyễn Đình Chiểu đã có một thái độ tích cực hơn, vì dân vì nước hơn. Tuy không đứng vào hàng ngũ cầm khí giới, nhưng ông rất có cảm tình với họ, chia sẻ với họ cái hờn mất nước, lòng căm ghét quân địch và bọn hợp tác..." (Phạm Thế Ngũ)
(*) Phú Lạc: Làng thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
(*) Phú Phong: Làng thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, có nghề dệt lụa. Con gái Phú Phong có tiếng là đẹp người, đẹp nết.
(*) Sông Ba Lai: Một con sông lớn tại tỉnh Bến Tre, là ranh giới tự nhiên giữa cù lao An Hóa và cù lao Bảo.
(*) Sông Bạch Đằng: Còn gọi là Bạch Đằng Giang hay Sông Rừng, hiệu là sông Vân Cừ, là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), nằm trong hệ thống sông Thái Bình. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với ba chiến công của dân tộc Việt Nam: Trận thủy chiến của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938 đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, trận thủy chiến sông Bạch Đằng của Hoàng đế Lê Đại Hành năm 981 đập tan quân Tống và trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 1288 do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy đánh tan quân xâm lược Nguyên.
(*) Sông Hàm Luông: Là một phân lưu của sông Tiền chảy qua tỉnh Bến Tre, đổ ra Biển Đông tại cửa Hàm Luông. Sông có chiều dài khoảng 70 km, giữa sông có các cù lao lớn như cù lao Đất, cù lao Linh, cù lao Ốc. Sông có tên gốc là Hàm Long, nhưng dưới thời phong kiến Nhà Nguyễn, do "kỵ húy" để tránh chữ Long (Long là rồng, tượng trưng cho nhà vua), người ta gọi chệch là Luông và lâu ngày thành quen. Vùng sông Hàm Luông trù phú với những miệt vườn cây trái sum xuê, nơi đây có đặc sản măng cụt ngọt như đường phèn.
(*) Tổng Hà Nam: Tên một tổng nay thuộc địa phận thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, xưa kia là một bãi bồi ở cửa sông Bạch Đằng.
(*) Trần Bá Đại: Chức vụ Xuân Vinh quân thứ từ hàn, giữ việc văn phòng bút lục của Lê Thành Phương, được Lê Thành Phương cử lên Vân Hòa lo việc xây dựng sơn phòng.
(*) Yên Thế: Một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang. Nơi đây diễn ra khởi nghĩa Yên Thế kéo dài 30 năm của Hoàng Hoa Thám chống thực dân Pháp (1885-1913).