Ông đọc rất nhiều, và nhà văn làm ông có cảm giác ngây ngất như chính Schumann đánh giá là Friedrich Richter, nhà văn người Đức mới quá cố (1825), người lấy bút danh bằng một cái tên Pháp là Jean Paul Richter. Mặc dù rất mê âm nhạc, Schumann lại được ghi danh vào khoa Luật của trường Đại học Leipzig năm 1828. Ông đã không phản đối nhưng lại bị rơi vào một tình trạng lãnh đạm sâu sắc. Để vượt qua cú sốc đầu tiên, ông đã phải rất nỗ lực để thích nghi với nó. Ông tới các sàn đấu kiếm, thám hiểm các vùng quê xung quanh Leipzig, du lịch tới Munich và Bayreuth với bạn mình là Rosen, bắt đầu nghiên cứu về triết học của Kant, Fichte, Schelling và Hegel, học đấu kiếm, chơi piano và viết những lá thư tinh tế quen thuộc kiểu Proust.
Chuyến đi đến Leipzig của bác sĩ Carus, một người quen cũ ở Zwickau đã giúp kết thúc thời kì băn khoăn, không phương hướng này trong cuộc đời ông. Được đón chào tại ngôi nhà thân thiện, Schumann rốt cuộc cũng có thể nghỉ ngơi và nói chuyện thẳng thắn, không còn bị hạn chế bởi sự e ngại mà ông luôn cảm thấy khi có mặt những người xa lạ. Bạn bè của Carus gồm cả hai con người rất tuyệt vời là giáo sư Wieck và con gái của ông, họ đồng thời là thầy và trò. Clara Wieck, người mà Schumann sẽ gắn bó trong phần đời còn lại mình, là một cô gái rất thông minh và có tài năng âm nhạc bẩm sinh (cô đã có một buổi biểu diễn piano rất thành công khi chưa đến 10 tuổi). Schumann và Wieck ngay lập tức đã rất hiểu nhau và mối quan hệ thầy trò giữa họ không thể mặn nồng hơn thế. Dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của Wieck, ông đã được củng cố thêm về kỹ thuật piano mà cho đến tận lúc đó vẫn chỉ là những mảng chắp vá, và mặc dầu nghiên cứu âm nhạc chiếm gần trọn thời giờ của ông, ông vẫn tiếp tục học luật để làm vui lòng mẹ mình.
Đến cuối tháng 8/1829 Schumann khởi hành tới Italy và trở về sau hai tháng đi thăm Brescia, Milan và Venice. Rồi ông chuyển từ Leipzig tới Heidelberg, ông lại cảm thấy sự căng thẳng trước đó. Sự mặc cảm, bản năng dịch chuyển của ông không ngừng khao khát tình yêu, cái đẹp và âm nhạc và sự khủng hoảng mà đôi khi xảy ra trong ông đã đột ngột bắt đầu tại một buổi hoà nhạc Phục sinh ngoài trời ở Frankfurt ngày 11/4/1830, khi ông nghe Paganini chơi lần đầu tiên. Buổi biểu diễn đó đã làm ông loá mắt, như thể Paganini đã lột bỏ lớp mạng che của một sự thật cổ xưa, bị che giấu trong con người ông. Cho đến mùa hè năm 1830 đó, lần đầu tiên ông đã hiểu được sức mạnh ma thuật của âm nhạc.
Với sự khuyến khích của mẹ và sự tán thành của Wieck, Schumann đã dùng phần tài sản trong gia đình mà mình được hưởng để đầu tư đầy đủ vào việc học nhạc. 1831 là một năm quan trọng trong cuộc đời âm nhạc của ông. Khi ông làm tinh tế hơn khiếu thẩm mỹ phê bình của mình trong một bầu không khí âm nhạc luôn được trau dồi của Leipzig, một cách vô thức, ông đã tự trang bị thứ rồi đây sẽ trở thành nghề nghiệp nghệ thuật lớn thứ hai và mang tính chuyên nghiệp trong cuộc đời mình, nghề phê bình âm nhạc. Với các hiệp hội âm nhạc, các buổi hoà nhạc Gewandhaus, viện hàn lâm, và rất nhiều buổi hoà nhạc thính phòng bậc thầy của nó, Leipzig là một trong những kinh đô âm nhạc vào thời Schumann. Thông tin âm nhạc tại đó đến từ sự trải nghiệm âm nhạc trực tiếp, các bản nhạc mới liên tục được chơi và được bàn luận. Bài báo đầu tiên của Schumann được xuất bản trong số tháng 12 của một tạp chí phê bình âm nhạc mới có tên là Allêgmeine musikalische zeitung (universal musical gazette – Báo âm nhạc đại chúng).
Một trong những bài báo được xem là quan trọng đối với sự nghiệp cầm bút của Schumann sau này, một bài bình luận sắc sảo, thấu hiểu và rất xuất sắc, giới thiệu cho giới âm nhạc của Leipzig một nhạc sĩ mà cho đến tận lúc đó vẫn hoàn toàn chưa được biết tới, Frédric Chopin, với một câu nói đầy ấn tượng: "hãy ngả mũ thưa quý bà quý ông, con người này là một thiên tài!”. Ây vậy mà Schumann cũng có thể nói về chính mình như thế. Khả năng sáng tạo mà ông có chỉ được nhận biết một cách mơ hồ trước đó, giờ đây đã bắt đầu thành hình cụ thể, các bản phác thảo ngắn của ông trở nên mạch lạc hơn, thanh nhã hơn, và một piano concerto, những chương giao hưởng riêng lẻ, và hơn hết là các bản nhạc cho piano đã bắt đầu hình thành. Cuối cùng, vào năm 1831, tác phẩm đầu tiên của ông được xuất bản - Theme and variations on the name Abegg, op.1 cho piano. Ông cũng viết Papillons, op.2 cho piano vào thời gian này, nhưng đến năm 1832 nó mới được xuất bản. Kết cấu bởi 2 hồi vũ khúc, 12 tiểu khúc tạo thành Papillons đã khẳng định tài năng của ông với tư cách một nhà soạn nhạc. Một loạt các bản nhạc ngắn vẫn còn dở dang cho chúng ta thấy sự sáng tạo tuyệt vời của ông trong việc tạo ra một bầu không khí hay một miêu tả một trạng thái cảm xúc mà lại sử dụng những chất liệu âm nhạc ngắn gọn nhất có thể.
Đầu năm 1832, ông bị cuốn theo một ám ảnh “tuyệt vọng và điên cuồng” đã giữ ông hàng giờ mỗi ngày bên phím đàn, đến mức Schumann đã làm cho ngón thứ tư của bàn tay phải bị căng cứng do làm việc quá độ, rồi sau này ảnh hưởng đến cả bàn tay. Mặc dù chữa theo phương pháp “vi lượng đồng căn”, ông vẫn không bao giờ chữa khỏi hoàn toàn được bàn tay đó và buộc phải chấm dứt sự nghiệp pianist của mình. Giờ đây, khi không còn khả năng chơi piano nữa, cảm xúc sáng tác của ông theo bản năng lại phát triển lên, và đến năm 1833 ông đã xuất bản một số lượng lớn các tác phẩm quan trọng. Studies on caprices by Paganini op.3 và Six concer studies on caprices by Paganini op.10, là hai tác phẩm ông bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với violinist người Italy này, người đã mở rộng tầm mắt cho ông về sức mạnh huyền bí của âm nhạc, cũng như là một sự tái tạo bằng ngôn ngữ piano trình độ violin bậc thầy mà ông đã nghe được từ Paganini. Virtuosity cũng là một điểm nổi bật đáng chú ý của một số bản nhạc khác ít quan trọng hơn của thời kỳ này như 6 intermezzi op.4 và Impromptu op.54, trên chủ đề của Clara Wieck, nhưng nó đã đạt được một ý nghĩa mới trong bản Toccata “Huy hoàng” op.7, một tác phẩm tuyệt vời không thể phủ nhận ngay cả khi Papillons vẫn là kiệt tác của ông thời kỳ này. Những kỹ thuật khô khan nhất đã được Schumann biến đổi thành một dòng chảy tuyệt vời trong vắt như pha lê, “moto perpetuo”, đầy màu sắc và giai điệu.
Tháng 10/1833 bị bóng đen bao phủ bởi cái chết trẻ đột ngột của hai người là Julian- anh trai ông và vợ của Carl - một người anh trai khác. Schumann thực sự bị sốc và rơi vào một sự phiền muộn sâu sắc, dấu hiệu đầu tiên của sự điên loạn huỷ hoại ông trong quãng đời sau này. Bệnh trầm cảm đã ngăn cản luồng sáng tạo trong sáng tác của ông, nhưng ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ.
Tác phẩm đòi hỏi nỗ lực tình cảm lớn nhất của ông, với ý nghĩa rằng nó được ông viết khi tâm trạng đang dao động giữa sự lạc quan hân hoan và sự bi quan sâu sắc nhất, là Grande sonata giọng Fa thăng thứ op.11, được ông hoàn thành năm 1835. Sau đó ít lâu cũng vào năm 1835 là tác phẩm dành cho piano được xem là vĩ đại nhất của ông Carnaval op.9, một tập hợp gồm 20 bản nhạc ngắn cho 4 nốt.
Cảm thấy cần phải sáng tác trên một hệ thống thang âm rộng lớn hơn, Schumann quay trở lại với thể loại sonata và viết ra Fantasie op.17, thực chất là một sonata không phải như tên của nó mặc dầu nó cũng có đầy đủ yếu tố “fantasy” của Schumann. Fantasie là một tác phẩm đầy chín chắn trong đó Schumann đã xử lý các cấu trúc kiến trúc lớn với một sự thuận lợi và dễ dàng mà ông hiếm khi đạt được trong các tác phẩm sau này. Tuy nhiên, ông cũng có những mối quan tâm khác ngoài sáng tác nhạc. Sự khởi đầu xuất sắc của ông với cương vị là một nhà phê bình âm nhạc đã được chú ý và triển vọng ban đầu này chỉ được khẳng định bằng những bài viết sau này của ông. Một nhóm những nhạc sỹ và nhà văn tiên phong dần dần hình thành xung quanh ông. Các cuộc gặp gỡ sôi nổi của họ tại quán rượu ở Fleichergasse là những dịp hâm nóng các tranh luận trong đó tác phẩm của Beethoven, Bach, Weber và Schubert được đề cao, và những nỗ lực của những nhạc sỹ mới, đặc biệt là Chopin và Mendelssohn, được nhìn nhận như sự đại diện của tính độc đáo âm nhạc đặc trưng Đức mà các nhà phê bình bàn giấy đã khá lâu không để ý. Một liên minh mới được thành lập mà như Schumann nói: “Còn hơn cả điều bí mật vì nó chỉ tồn tại trong đầu của những nhà sáng lập”, “League of the Brothers of David” (Liên minh những người anh em của David) chống lại những định kiến tư sản và chủ nghĩa tầm thường trong âm nhạc trên danh nghĩa tiến bộ và cảm hứng tự do của thời kỳ lãng mạn.
Với cái chết của người bạn thân nhất, Schunke, và sự thờ ơ của Hartmann, ông chủ của tạp chí mà Schumann đang viết bài cho, tờ Neue Zeitschrift fur Musik, những lý tưởng của Liên minh dường như tất bị thất bại, nhưng Schumann vẫn tự mình làm tất cả công việc xuất bản lẫn biên tập cho tờ tạp chí, và kết quả là nó đã trở thành một sự sáng tạo của riêng ông (tên của ông luôn đi cùng với nó trong giới phê bình âm nhạc từ đó). Mặc dù giọng viết trẻ trung và nhiệt tình, tờ tạp chí cũng rất đáng chú ý bởi trình độ cao của tranh luận mà nó đưa ra và sự rõ ràng của các lập trường đầy tính trí tuệ và lý thuyết, và nó nhanh chóng trở thành một trong những tạp chí âm nhạc hàng đầu thời kỳ này.
Thời kỳ sáng tạo ban đầu mà piano chiếm ưu thế gần như hoàn toàn đã đi đến kết thúc vào khoảng những năm 1838 - 1839 với một loạt các tác phẩm quan trọng rất ấn tượng, cho dù là hầu hết các tác phẩm nguyên gốc cho piano của ông đã được viết ra đến thời điểm đó: Kriesleriana, Op.16, một tập hợp những bản nhạc dựa trên những câu chuyện hư cấu của Hoffmann, Kapellmeister Kriesler đi từ những điều kỳ quái nhất cho đến những điều siêu phàm nhất; 8 Novelletten, Op.2; sonata giọng Son thứ, op.22; Kinderszenen (Những hoạt cảnh từ thuở ấu thơ), Op.15, một kiệt tác về sự thấu hiểu tâm lý; và Humoresque Op.20 đầy màu sắc biến ảo.
Sau bao khó khăn không thể kể hết, Schumann cũng cưới được Clara Wieck vào năm 1840 khi ông đã ở đỉnh cao của danh vọng. Khi còn trẻ, Clara luôn luôn có mặt trong các cuộc gặp gỡ sôi nổi của liên minh, và kết quả là, đã nhanh chóng trở nên có một ảnh hưởng lớn lao tới nó bằng sự quyến rũ và tính nhạy cảm đầy sắc bén của một nghệ sĩ, nhưng khi Schumann đặt vấn đề với cha cô năm 1836, ông đã không đồng ý cho họ lấy nhau với lý do cô còn trẻ, và trên hết, khả năng tài chính bấp bênh của một nhạc sĩ cộng với sức khoẻ vốn đã không lấy gì làm tốt của Schumann. Ông còn làm mọi việc càng trở nên tệ hơn khi bắt Clara đi xa bằng những tour diễn kiệt sức tới các thủ đô của Châu Âu, với hy vọng rằng sự xa cách lâu ngày sẽ làm cho cô phai nhạt dần tình cảm với Schumann.
Năm 1840, Clara dến tuổi được tự do kết hôn mà không cần có sự ưng thuận của cha mẹ, và mặc cho bao sự phản đối, đôi uyên ương vẫn quyết định tới toà án hoàng gia Leipzig ở Appeal để xin cưới được nhau, và đám cưới đã diễn ra vào 12/9/1840 mà không có sự tham dự của người cha nghiêm khắc của cô.
Đó là một cuộc hôn nhân hạnh phúc, cả hai đều mang trong mình nghệ sĩ tính và đầy xúc cảm. Nhiều tháng trước đám cưới của mình, Schumann đã viết một loạt các bài hát thể hiện một cách rõ ràng đỉnh cao trong cuộc đời sáng tạo của ông. Với vai trò một người viết ca khúc, ông đã tiếp tục cái truyền thống tuyệt vời đã được thiết lập bởi Schubert, mặc dù ông không bao giờ đạt được hoàn toàn cái xúc cảm mãnh liệt đến sung sướng vô ngần của sức tưởng tượng như Schubert. Điều này có thể là vì Schubert có thiên tài bẩm sinh hơn về giai điệu ca từ và khả năng của giọng hát, và có ít cách biểu đạt gián tiếp hơn, nhưng sức mạnh biểu đạt một cách khác thường của Schumann và sự phát triển tâm lý bên trong nó ít ra cũng sánh được và trong nhiều trường hợp còn trội hơn Schubert. Piano cũng được đưa vào những bài hát của Schumann với một niêm luật mới: có lẽ là đầy nghịch lý, có thể nói rằng những bản nhạc dành cho piano của ông đã đạt tới sự tinh tế nhất của nó và cái độc đáo trong các bản nhạc đệm cho các bài hát của ông, nơi mà tài năng piano bẩm sinh của ông được thử thách tới mức cực điểm bởi chất thơ trong lời của các bài hát. Thế nên chúng ta mới có những Liederkreise Op.24 dựa trên những bài thơ của Heine; The myrthen cycle, Op.25 từ Goethe, Ruckert, Byron, Heine và nhiều người khác; Liederkriese Op.39 dựa trên thơ của Eichendorff; tập liên khúc Frauenliebe und leben (Cuộc sống và tình yêu của một người phụ nữ) Op.42 tuyệt vời dựa trên lời của Adelbert von Chamisso và có lẽ là kiệt tác ca khúc lớn nhất của ông; và cuối cùng là Diechterliebe (Tình yêu của thi nhân) Op.48 cũng dựa vào những bài thơ của Heine.
Trong lĩnh vực nhạc thính phòng, 3 tứ tấu cho đàn dây Op.42 (1842) rất hay, nhất là bản giọng La trưởng, và piano đã góp phần làm nên một ngũ tấu op.47 thật huyền ảo (1842); tam tấu, op.63 (1847). Hai sonata cho violon, Op.105 (1851) và Op.121 (1851), mặc dầu có lẽ ít nhất quán hơn, nhưng vẫn có những chương tràn đầy cảm xúc khác thường và sức mạnh bên trong.
Bốn giao hưởng của Schumann, dù có hơi yếu về mặt cấu trúc, nhưng ấn tượng về mặt âm nhạc cùng hoà âm độc đáo của chúng, vẫn ở vị trí trung tâm của truyền thống giao hưởng Đức. Piano concerto, Op.54 (1846), Introduction and Allegro, Op.92 (1849) cho piano và dàn nhạc và Cello concerto, Op.129 (1850) cũng rất được yêu thích vì chúng có cảm giác lôi cuốn, đầy ngẫu hứng khi biểu diễn.
Genoveva, Op.81 (1847), vở opera duy nhất của Schumann, không bao giờ được diễn lại từ sau lần đầu công diễn đầy thảm hoạ của nó vào năm 1850 (mặc dù nó nên được nhớ tới vì xuất hiện cùng năm với vở Lohengrin của Wagner) và có lẽ cũng đáng xem xét lại một cách tỉ mỉ vì có yếu tố Wagner trong đó. Ba oratorio phi tôn giáo của ông, Das Paradies und die Peri (Paradise and the Peri), Op.50 (1843); Scenes from Goethe’s Faust (1847 - 1853) và câu chuyện ngụ ngôn Der rose Pilgerfahrt (Cuộc hành hương của đóa hồng) Op.112 (1851) thành công hơn, và đều có liên quan tới giao hưởng hợp xướng Requiem fur Mignon, Op.98b (1849) với sự ứng khẩu trong lời nói rất đặc trưng của Schumann.
Mặc dầu Schumann vẫn tiếp tục soạn nhạc, song dường như có cái gì đó trong tính cách của ông bị sụp đổ. Clara đã có những buổi biểu diễn thắng lợi ở nước ngoài tại Copenhagen, Hamburg và Bohemia, đôi vợ chồng đã cư xử thật gần gũi và khéo léo trong suốt chuyến thăm Nga của mình, nhưng Schumann ngày càng khó chịu. Năm 1844 ông đã phải từ bỏ cây đàn piano của mình cũng như vị trí giảng dạy ở Leipzig Conservatory (được Mendelssohn thành lập), và bác sĩ khuyên ông nên chuyển đến một thành phố khác. Hậu quả giờ đây là chứng mất trí nhớ và khó khăn trong đi lại, ám ảnh bởi một nỗi sợ chết mãnh liệt và bị giày vò bởi sự thay đổi tâm tính khắc nghiệt, ông đã chuyển đến Dresden năm 1846, ở đó ông bị một cơn suy sụp nặng hơn mà từ đó đã sản sinh ra một sự bùng nổ khác trong soạn nhạc. Chuyển từ Dresden tới Dusseldorf năm 1850, ông chấp nhận vị trí chỉ huy trong dàn nhạc của thành phố, nhưng lại bị buộc phải từ chức vì sự không ổn định về tinh thần ngày càng tăng. Bài báo cuối cùng của ông với vai trò nhà nhà phê bình xuất hiện năm 1853. trong đó ông đã chỉ ra những nét tiêu biểu của một người trẻ tuổi Johannes Brahms (mà ông chỉ vừa mới gặp), đánh giá anh ta như một người kế vị thực thụ của Beethoven trong thể loại nhạc giao hưởng, một sự biệt đãi mà trước đến giờ ông luôn từ chối.
Khi trở lại Dussendorf từ chuyến thăm Hà Lan, Schumann gần như đã cạn hết nguồn năng lượng trong mình, bị hành hạ bởi chứng mất ngủ vì ông sợ rằng sẽ chết trong giấc ngủ. Tin chắc rằng mình đang bị theo đuổi, ông đã bỏ trốn khỏi nhà mình một đêm giá rét vào tháng 2 năm 1854 và nhảy xuống sông Rhine. Ông đã được những người đi thuyền cứu sống và mang về nhà, nhưng giờ đây ông gần như đã điên hoàn toàn. Ông được đưa đến một bệnh viện ở Endenich gần Bonn, và từ chối không tiếp khách. Ông qua đời vào ngày . Clara vẫn sống rất lâu sau đó và trình diễn các bản nhạc giúp tạo nên sự vĩ đại của chồng mình trên khắp thế giới này.