(*) An Cựu: Làng An Cựu thuộc thành phố Huế, nơi sản xuất nhiều gạo ngon.
(*) An Dũ: Địa danh thuộc tỉnh Bình Định.
(*) An Lương: Thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là nơi trồng nhiều thuốc lá ngon có tiếng.
(*) An Nhơn: Thị xã nằm phía đông tỉnh Bình Định, là vùng đồng bằng do phù sa của các sông Đập Đá, Tây An, Gò Chàm, An Trường... bồi đắp.
(*) An Thái: Ngôi làng thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng có nghề dệt lụa và nghề làm bún song thần.
(*) Ba Trang: Thường gọi tắt là Trang, chỉ vùng Cửa Hội thuộc thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.
(*) Bãi Điều: Phía Đông Nam thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Xưa có tiếng đồn nhiều ma.
(*) Bãi Ngao: Tên địa danh thuộc xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Có tên như vậy vì ở đây rất nhiều nghêu sò, đặc biệt là sò huyết.
(*) Bảo Ninh: Xã Bảo Ninh thuộc Đồng Hới, Quảng Bình. Đây là một bán đảo hình lưỡi mác chạy dài hơn 8km, gần cửa sông nhật.
(*) Bến Đá: Bình Định phía Bắc có đèo Bình Đê, trước gọi là đèo Bến Đá, là ranh giới với tỉnh Quảng Ngãi. Ngày xưa, người Bình Định ít ai ra khỏi đèo Bến Đá, chỉ có người đi lính, hoặc làm quan mới ra khỏi đèo Bến Đá mà thôi.
(*) Bình Định: Một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, hàng trăm năm trước từng là cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam.
(*) Bình Khê: Huyện Bình Khê thuộc tỉnh Bình Định, là nơi có truyền thống thượng võ của đất Tây Sơn.
(*) Bồ Đề: Làng Bồ Đề thuộc xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
(*) Cầu Vạn Củi: Tại thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên có chiếc cầu chạy qua mương lớn xuống cánh đồng mang tên Vạn Củi, có lẽ vì phía cầu bên nam dân làm nghề củi.
(*) Củng Sơn: Thị trấn thuộc huyện Sơn Hòa, Phú Yên, là huyện lỵ Sơn Hòa từ năm 1899. Thời xưa là thôn Phước Sơn, có một bảo quan trọng làm nhiệm vụ biên phòng. Đây là cửa ngõ đi vào Thủy Xá, Hỏa Xá, là nơi các phái bộ hai tiểu quốc này dừng nghỉ trước khi đến tỉnh thành Phú Yên.
(*) Chè lam Phủ Quảng: Món chè lam đặc sản của khu vực huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trước đây, món ăn này thường được làm vào các dịp lễ tết để cúng tổ tiên vào mừng đầu xuân năm mới. Ngày nay, chè lam được sử dụng như một món quà, ăn quanh năm. Tên gọi của món chè lam này được lấy theo tên phủ Quảng Hóa xưa.
(*) Bàn Thạch: Chợ nằm ở phía nam cầu Bàn Thạch (thôn Bàn Thạch, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa). Mỗi tháng chợ họp 6 phiên vào các ngày mồng 2, 6, 12, 16, 22, 26. Dân gian có câu: “Chợ Bàn Thạch nhiều lươn” bởi cánh đồng từ Đông Mỹ vào phía bắc cầu Bàn Thạch và từ phía nam cầu Bàn Thạch đến Phú Khê, Hảo Sơn là nơi sinh sản lươn rất nhiều. Ngày trước phương tiện giao thông khó khăn, người dân bắt được chỉ có đem ra chợ bán cho lái buôn mua về thị xã Tuy Hòa.
(*) Đông Ba: Chợ Đông Ba là một trong những biểu tượng của thành phố Huế, hình thành từ năm 1899, dưới thời Thành Thái, trước đây nằm ở cuối đường Phan Đăng Lưu, Huế.
(*) Chợ Gồm: Tên một chợ nay thuộc xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
(*) Chợ Xổm: Tên trước đây của chợ Phú Thạnh, thuộc thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Sở dĩ có tên chợ Xổm là vì ngày xưa dân các nơi đến Phú Thạnh lập nghiệp, họ đem sản phẩm mình làm ra trao đổi lấy về những vật dụng, thực phẩm cần thiết cho sinh hoạt, từ đó hình thành chợ mang tên chợ Xổm, do ngồi xổm để họp chợ.
(*) Chùa Đá Trắng: Một ngôi chùa thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đây là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất của tỉnh Phú Yên với giá trị to lớn về mặt tôn giáo, văn hóa, lịch sử xã hội, do nằm trên một triền núi có nhiều tảng đá trắng nên thường được gọi là chùa Đá Trắng. Xung quanh chùa là một vườn trồng giống xoài quý cũng có tên là xoài Đá Trắng, còn có tên là “xoài Ngự”, “xoài tiến”, tương truyền có hương vị rất đặc biệt, vừa thơm dịu, vừa ngọt lịm khiến ai đã từng nếm thử đều không thể quên.
(*) Chùa Thiên Thai: Tên một ngôi chùa ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
(*) Dốc Đồng Tranh: Dốc dài trên đường núi từ xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, qua xã An Thọ, huyện Tuy An lên xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Dốc Lỗ Chài: Dốc dài và quanh co trên đường núi từ xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa qua xã An Thọ, huyện Tuy An lên xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Đa Lộc: Một xã miền núi nằm ở phía bắc huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên
(*) Đắk Lắk: Đắk Lắk hay Darlac là tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên, Việt Nam. Tỉnh lỵ của Đắk Lắk là thành phố Buôn Ma Thuột, nằm cách Hà Nội 1.410 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km. Đắk Lắk được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại được thế giới công nhận
(*) Đất Đỏ: Vùng đất đỏ tại Sơn Thành, nay là xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Cù Mông: Đèo Cù Mông nằm trên Quốc lộ 1A, là một trong những đèo núi hiểm trở nhất Việt Nam, đường dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao, dễ gây ra tai nạn giao thông. Đèo là ranh giới của 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên, đồng thời là tuyến đường bộ đi qua một trong những nhánh đâm ra biển của dãy Trường Sơn Nam. Trước đây khi chưa có quốc lộ 1D thì đèo là con đường chính để qua lại giữa Bình Định và Phú Yên.
(*) Đồng Cọ: Là một vùng trũng ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, một thời đường sá đi lại lầy lội quanh năm. Mùa đông mưa gió lê thê, mưa dai dẳng từ ngày này sang ngày khác, gọi là mưa Đồng Cọ.
(*) Đồng Hới: Tên cổ là Động Hải, là thành phố trực thuộc tỉnh của Quảng Bình ở vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam.
(*) Gành Hàu: Địa danh thuộc thôn Tân Hòa, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nằm ở phía Nam bán đảo An Hải.
(*) Gạo de: Gạo ngon sản xuất tại làng An Cựu, xưa chỉ dùng cho các bậc vua chúa và nhà giàu.
(*) Gò Dinh: Gò cỏ ở xóm Quán Lê, thuộc thôn Phong Hậu, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Năm 1885, Lê Thành Phương khởi nghĩa hưởng ứng lời kêu gọi Cần Vương, dự định xây dựng căn cứ sơn phòng tại đây, nhưng việc chưa thành, ông bị Pháp bắt và xử tử năm 1887. "Dinh" nghĩa là doanh trại của Lê Thành Phương, là bắt nguồn của tên Gò Dinh.
(*) Gò Găng: Làng thuộc xã Thuận Chính, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, có nghề làm nón ngựa thường được gọi là nón Gò Găng.
(*) Hà Lờ: Một thôn trước đây thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa (cũ), tỉnh Phú Yên.
(*) Hà Tĩnh: Hà Tĩnh là một tỉnh của Việt Nam, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía nam sông Lam, thiên nhiên không mấy ưu đãi, nhưng lại được coi là nơi "địa linh nhân kiệt". Nhiều làng quê ở Hà Tĩnh nổi tiếng văn chương, khoa bảng và kiên cường. Nhiều anh hùng, danh nhân Việt Nam xuất thân từ Hà Tĩnh.
(*) Hang Hổ: Hang Hổ nằm trong một ngọn núi cao chừng 100m, tiếp giáp với dãy Trường Sơn, phía nam nối liền với Phú Cốc, phía bắc nối liền với núi Phú Cần, thuộc thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày xưa, nơi này có nhiều hổ sinh sống.
(*) Hòa Hội: Làng Hòa Hội thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Ninh Bình, là nơi trồng nhiều chè sen.
(*) Hộ Tịnh: Tức ông Nguyễn Bá Tịnh, ông là người giàu có, đã đóng góp một khoản tiền lớn cho triều đình nên được sắc phong Bá Hộ. Ông Hộ Tịnh cho con ra Bình Định học nghề hát bội từ con cháu nhà hát tuồng Đào Tấn nổi tiếng, rồi trở về lập gánh hát. Gánh hát ông Hộ Tịnh quy tụ nhiều đào kép tài sắc đi lưu diễn khắp nơi, là gánh hát nổi tiếng ở Phú Yên bấy giờ. Trong những người con của ông Hộ Tịnh, có ông Nguyễn Chi là người học rộng, sớm tiếp thu tư tưởng tiến bộ của phong trào Duy Tân. Ông Nguyễn Chi là một trong những sĩ phu lãnh đạo phong trào chống sưu thuế năm 1908 ở Phú Yên.
(*) Hội Đổ giàn: Tại Chùa Bà, ngôi chùa thuộc làng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, có hội Đổ giàn được tổ chức vào ngày lễ Vu Lan, mang ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ của đất Tây Sơn - Bình Định. Giàn là một cái đài cao bằng tre, trên để các lễ vật như dê, gà, lợn quay. Cuối ngày hội thường có hát bội và tục "tranh heo", người chủ bái từ trên giàn cao, sau khi xướng xong, tung heo quay xuống đất. Các võ sĩ chờ sẵn phía dưới, tung mình đón bắt con heo rồi vượt đám đông chạy ra ngoài. Giành được heo xem như là một vinh dự lớn cho làng giành được.
(*) Hương Cần: làng thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Quýt Hương Cần thơm ngon nổi tiếng, ngày xưa từng là đặc sản tiến vua.
(*) Khánh Hòa: Một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... Với khí hậu ôn hòa, thiên nhiên nhiều cảnh đẹp, và có nhiều di tích lịch sử văn hóa, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.
(*) La Hai: Một thị trấn miền núi thuộc huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 45 km.
(*) Làng Giàng: Thuộc xã Thiệu Dương, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, xưa có nghề làm vàng mã.
(*) Lê Thái Tổ: Tên thật là Lê Lợi, là vị hoàng đế đầu tiên của triều Hậu Lê. Ông khởi xướng khởi nghĩa Lam Sơn, tự xương là Bình Định Vương, chiến đấu chống lại sự xâm chiếm của quân đội nhà Minh từ năm 1418 cho đến lúc đánh đuổi hoàn toàn quân Minh ra khỏi Đại Việt vào năm 1428. Ông được coi là vị vua huyền thoại của Đại Việt không chỉ bởi tài năng quân sự, mà còn bởi tài cai trị, đã lãnh đạo người dân Đại Việt xây dựng và tái thiết lại một đất nước điêu tàn khi bị quân đội nhà Minh phá hủy mọi thứ.
(*) Lỗ Quy: Một làng thuộc thôn Hòa Bình, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Nơi đây có đặc sản thuốc lá ngon.
(*) Lộc Châu: Làng Lộc Châu trước kia, nay là phường Nghi Hải thuộc thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Nơi đây mạnh về cả nghề buôn bán và nghề đánh cá.
(*) Mũi Nạy: Mũi Điện (còn có tên là Mũi Nạy, mũi Kê Gà) thuộc thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, Phú Yên. Ở đây có ngọn Hải Đăng được người Pháp xây dựng năm 1890, là ngọn Hải Đăng vươn ra xa nhất về phía Đông trên đất liền Việt Nam.
(*) Mỹ Thành: Một thôn thuộc xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Ba Giang: Ngọn núi thuộc xã Thạch Việt, huyên Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Xưa có đặt trạm gác và cắt cử phu phen tạp dịch, chủ yếu là gánh đồ cho quan lại qua đây.
(*) Núi Bà, hòn Ông: Tỉnh Bình Định ba mặt Tây, Nam, Bắc là ba dãy non cao, nối nhau thành hình một chiếc ngai đồng vĩ đại. Trong ba dãy núi này, thì dãy phía Nam có hòn Tượng Sơn làm chúa, phía Bắc có hòn Vọng Phu làm chúa. Hòn Vọng Phu đứng chon von bên mé biển. Trên đỉnh có một hòn đá xanh, trông phảng phất một con người đứng. Người ta bảo đó là người đàn bà đứng trông chồng lâu ngày thành đá. Vì vậy mà núi mang tên là Vọng Phu, tục gọi Hòn Bà. Còn hòn Tượng Sơn hùng tráng, hoành vĩ tục gọi là Hòn Ông. Hòn Ông ngó thẳng ra Bắc, Hòn Bà ngoảnh mặt xuống biển Đông. Phải chi hai ngọn này xoay mặt vào nhau, để Ông ở trong ngó ra, Bà ở ngoài ngó vô thì thú biết mấy. Đây là nguồn gốc của câu ca dao.
(*) Núi Bà, Bình Định: Thuộc địa phận huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
(*) Núi Chúa: Ngọn núi thuộc nhánh Đông Trường Sơn đâm ngang ra biển trong dãy Đại Lãnh, là ranh giới của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, cao độ 1010 mét. Trên đỉnh luôn có làn mây trắng bao phủ, lại là cửa gió từ các phía thổi tới theo mùa, như gió Tây-Nam, gió Đông-Bắc, gió Nồm… nên nhìn từ xa đỉnh núi Chúa như có rồng vờn lượn quanh năm.
(*) Núi Đá Bia: Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian gọi là Núi Ông, là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy núi Đèo Cả, hiện ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên. Núi nổi tiếng vì tảng đá bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi mà cách xa vẫn có thể nhìn thấy. Tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chămpa, Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt (Việt Nam ngày nay) tại nơi này. Vì thế, núi được gọi là núi Đá Bia.
(*) Hòn Nghiên, hòn Bút:Tây Sơn là dãy núi phía Tây tỉnh Bình Định thuộc hệ thống Trường sơn, có hòn ông Bình, hòn ông Nhạc, hòn Nghiên, hòn Bút. Đây là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.
(*) Núi Lá: Núi Lá có các đỉnh cao 303m và 453m, nằm trải dài dọc theo phía nam sông Ba, nay chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.
(*) Lam Sơn: Còn gọi là núi Chàm, thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh.
(*) Ngân Điền: Thôn thuộc xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Trước đây nơi này dân còn thưa thớt, buôn bán sơ sài nghèo nàn.
(*) Ngọc Lâm: Một thôn thuộc xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Phú Diễn: Một thôn thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Phú Nhiêu: Một thôn thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Phú Thạnh: Thôn (Phú Thạnh Đông, Phú Thạnh Tây) thuộc xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) Phú Thuận: Một thôn thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Phú Yên: Một tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, có đồng bằng Tuy Hòa, được xem là vựa lúa của miền Trung.
(*) Quảng Bình: Một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Dải đất Quảng Bình như một bức tranh hoành tráng, có rừng, có biển với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thắng cảnh nổi tiếng: đèo Ngang, đèo Lý Hoà, cửa biển Nhật Lệ, phá Hạc Hải, Cổng Trời… và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, Hang Sơn Đoòng được công nhận là hang động lớn nhất thế giới. Đây là vùng đất vùng đất văn vật với các di chỉ thuộc nền văn hóa Bàu Tró, Hòa Bình, Đông Sơn và Sa Huỳnh, nhiều di tích lịch sử và các địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc. Trong quá trình lịch sử, đã hình thành nhiều làng văn hóa nổi tiếng và được truyền tụng từ đời này sang đời khác như "Bát danh hương": "Sơn - Hà - Cảnh - Thổ - Văn- Võ - Cổ - Kim".
(*) Sông Ba: Bắt nguồn từ núi Ngok Rô ở độ cao 1.549 m, trên dãy Ngok Linh (thuộc tỉnh Kon Tum), sông Ba chảy theo sườn phía Đông của dãy Trường Sơn, qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên để đổ về Biển Đông.
(*) Sông Bạch Đằng: Còn gọi là Bạch Đằng Giang hay Sông Rừng, hiệu là sông Vân Cừ, là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), nằm trong hệ thống sông Thái Bình. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với ba chiến công của dân tộc Việt Nam: Trận thủy chiến của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938 đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, trận thủy chiến sông Bạch Đằng của Hoàng đế Lê Đại Hành năm 981 đập tan quân Tống và trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 1288 do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy đánh tan quân xâm lược Nguyên.
(*) Sông Bàn Thạch: Sông Bàn Thạch là phần thượng lưu của sông Đà Nông, bắt nguồn từ núi Hòn Dù thuộc dải Trường Sơn, chảy qua cửa Đà Nông xuống địa phận huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Sông Bàn Thạch rất có giá trị cho nông nghiệp vùng. Mùa lụt nước sông chảy xiết, mạnh vì nước lũ từ trên cao đổ về. Mùa nắng thì sông chảy lặng, lòng sông có khi cạn khô. Xưa kia sông Bàn Thạch có nhiều cá sấu sinh sống.
(*) Sông Dinh: Một nhánh của sông Đà Rằng chảy quanh thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nay đã bị bồi lấp.
(*) Đà Rằng: Vùng hạ lưu của sông Ba, từ này là từ đọc trại của Ea Drăng xuất phát từ tiếng Chăm cổ có nghĩa là "con sông lau sậy".
(*) Sông Kỳ Lộ: Sông dài 120 km, bắt nguồn từ vùng núi La Hiên cao trên 1000 m tại giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai. Sông chảy về hướng Đông Nam qua các huyện Đồng Xuân, Tuy An, đổ ra cửa biển Tiên Châu ở Tuy An (Phú Yên) với một phân lưu đổ vào Đầm Ô Loan. Phần thượng lưu còn được gọi là sông La Hiên, trong khi phần hạ lưu còn được gọi là sông Cái.
(*) Sơn Triều: Một làng thuộc xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Nơi đây nhiều ruộng, là vùng trù phú.
(*) Tam Quan: Một thị trấn thuộc huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định. Thị trấn nằm ở phía Bắc Hoài Nhơn, là trung tâm kinh tế, văn hoá phía Bắc Hoài Nhơn. Tam Quan đặc trưng với rừng dừa bạt ngàn, với các đặc sản như mè xửng, bánh trán nước dừa, bún...
(*) Tiên châu: Một thôn thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Xưa kia, Tiên Châu là làng lớn nhất trong bốn làng thuộc tỉnh Phú Yên, lại nằm ở cửa biển của vùng vịnh Xuân Đài, cửa ngõ quan trọng nhất của tỉnh Phú Yên trong những năm cuối thế kỷ 19.
(*) Tuy Phước: Một huyện của tỉnh Bình Định, nơi có đặc sản nem ngon nổi tiếng.
(*) Trà Ô: Suối nước nóng tại xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Dòng suối quanh năm được duy trì ở mức 70 độ C, được bao phủ bởi một vùng cây xanh bạt ngàn. Nước khoáng nóng chảy ra từ hai vòi rồng đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
(*) Trần Bá Đại: Chức vụ Xuân Vinh quân thứ từ hàn, giữ việc văn phòng bút lục của Lê Thành Phương, được Lê Thành Phương cử lên Vân Hòa lo việc xây dựng sơn phòng.
(*) Triêm Đức: Một thôn thuộc xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
(*) Bà Diên: Còn gọi là truông Bà Viên thuộc thôn Hòa Bình, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Vinh Ba: Một thôn thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, nổi tiếng với nghề đan đát.
(*) Xóm Bàu: Thuộc xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì thuở trước xóm là một vũng nước sâu làm thành cái bàu, lâu ngày đất phù sa phủ kín thành ruộng, dân cư đến lập nghiệp sinh sống.