(*) Án Đổ: Làng thuộc xã Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, nơi có loại chè tươi thơm ngon.
(*) An Lão: Huyện An Lão thuộc vùng trung du tỉnh Bình Định, về mặt địa hình có đồi núi cao, có sông An Lão chảy qua, rừng An Lão có trữ lượng gỗ cao, nơi trồng nhiều hồ tiêu.
(*) An Thạch: Ngôi làng thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) An Thái: Ngôi làng thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng có nghề dệt lụa và nghề làm bún song thần.
(*) Ao Vuông: Địa danh nằm ở phía bắc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trước kia, đây là vùng cây cối rậm rạp, nhiều giặc cướp và thú dữ.
(*) Ba Gò: Truông Ba Gò nằm ở phía Bắc thị xã Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Trước kia, đây là vùng cây cối rậm rạp, có nhiều giặc cướp và thú dữ.
(*) Ba Vát: Một làng thuộc xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.
(*) Ba Xã: Sau đổi thành Hậu Lộc, thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Theo các cụ truyền lại, ngày xưa ở Ba Xã có cây đa từ xa nhìn như cái dù, nên gọi là cây đa dù, ngày nay cây đa này không còn nữa. Xưa kia, ruộng đồng ở đây rộng, nhưng phần lớn tập trung vào tay địa chủ cường hào nên đời sống của người dân rất vất vả. Ngoài việc trồng lúa, Ba Xã còn trồng dưa gang.
(*) Bến Tre: Một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Bến Tre có diện tích trồng lúa khá lớn, do phù sa sông Cửu Long bồi đắp, đặc biệt là ở Hàm Luông. Ngoài ra, Bến Tre có nhiều loại cây ăn trái như cam, quýt, sầu riêng, chuối, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, xoài cát, bòn bon, dứa, vú sữa, bưởi da xanh,... Trong chiến tranh, Bến Tre được coi là "quê hương Đồng khởi", mở đầu cho cao trào đấu tranh vũ trang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chống chế độ Ngô Đình Diệm, khốc liệt nhất là trong năm 1960.
(*) Bình Định: Một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, hàng trăm năm trước từng là cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam.
(*) Cây Dừa: Làng thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, nơi đồng điền rộng, con gái ở đây quanh năm tất bật chăm bón ruộng đồng.
(*) Cù Du: Vào những năm trước năm 1945, tại xã Trường Thịnh, Phủ Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên nay thuộc thôn Trường Thịnh, xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, có khoảng 20 hộ nông dân làm nghề dệt chiếu. Người Trường Thịnh gọi chung số hộ nông dân này là Cù Du. Tên gọi Cù Du không phải là địa danh. Người dân hộ Cù Du không có đất riêng để sống thành làng. Họ sống cùng với cư dân làm ruộng. Bởi thế không thể gọi hộ Cù Du là một làng nghề. Nhưng với lịch sử ngành nghề tiểu thủ công nghiệp thì có thể coi hộ Cù du là chiếc nôi của nghề dệt chiếu. Chiếu Cù Du sở dĩ được chuộng vì bền và dày
(*) Bạch Câu: Cửa biển thuộc địa phận xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
(*) Chợ Ba Đồn: Chợ Ba Đồn thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, là một trong những chợ cổ nhất của tỉnh này, bề dày lịch sử hàng mấy thế kỷ, xuất hiện từ ngày có ba cái đồn do quân Trịnh lập nên. Ban đầu, cho là nơi quân lính đến gặp gỡ vui chơi, trao đổi mua bán, nhiều khi cũng là dịp để thao binh, luyện tướng…. Thân nhân của nhiều binh lính từ đất Bắc cũng lội suối, băng đèo tìm đến Ba Đồn để gặp gỡ, thăm nuôi chồng con, anh em. Từ một chợ nhỏ của một vùng quê, chợ dần dần đã biến thành một chợ lớn nổi tiếng khắp dải đất miền Trung. Chợ Ba Đồn hàng hóa phong phú và đa dạng, xưa mỗi tháng họp ba phiên vào các ngày mùng sáu, mười sáu, hai sáu âm lịch và chỉ họp một ngày thì tan; nay chợ có sáu phiên vào các ngày 1, 11, 21 và 6, 16, 26 âm lịch.
(*) Chợ Dinh: Tên xưa của chợ Tuy Hòa, thuộc làng Năng Tịnh, tổng Hòa Bình. Nay nằm giữa 4 con đường Trần Hưng Đạo - Lương Văn Chánh - Lê Lợi - Nguyễn Trãi, thuộc phường 4, gọi là chợ trung tâm thành phố Tuy Hòa. Phía tây nam chợ Dinh có một bia Chăm khắc trên đá núi Nhạn Tháp, các nhà khảo cổ gọi là bia Chợ Dinh.
(*) Chợ Nghè: Chợ thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, ở chợ thường bán nhiều khoai.
(*) Chợ Quán Cau: Thuộc thôn Phong Phú, xã An Hiệp huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) Chợ Yến: Chợ thuộc xóm Yến, thôn Nhơn Sơn, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) Chùa Sỏi: Chùa nằm trong động Vân Hoàng, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Tương truyền chùa Sỏi lắm tiên vì gần động Từ Thức và cửa biển Thần Phù.
(*) Dốc Găng: Dốc Găng là một con dốc nằm trong thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
(*) Dốc Lỗ Chài: Dốc dài và quanh co trên đường núi từ xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa qua xã An Thọ, huyện Tuy An lên xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Dốc Quýt: Dốc Quýt là một con dốc nằm trong thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
(*) Đập Đá: Phường Đập Đá thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, nằm bên bờ sông Đập Đá (một nhánh của sông Kôn). Cái tên bắt nguồn do xưa kia đây là vùng sông nước với sông Kôn, sông Đập Đá và nhiều nhánh chằng chịt. Cư dân phải đắp đập bổi để canh tác, gọi là đập Thạch Yển, sau là đập Thạch Đề tức Đập Đá vì chỗ này sông rộng, có bến đá ong nổi tự nhiên rất đẹp.
(*) Đèo Cả: Một trong những đèo lớn và hiểm trở tại miền Trung Việt Nam, cắt ngang qua dãy núi Đại Lãnh ở chỗ giáp ranh của hai tỉnh Phú Yên (huyện Đông Hòa) và Khánh Hòa (huyện Vạn Ninh).
(*) Cù Mông: Đèo Cù Mông nằm trên Quốc lộ 1A, là một trong những đèo núi hiểm trở nhất Việt Nam, đường dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao, dễ gây ra tai nạn giao thông. Đèo là ranh giới của 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên, đồng thời là tuyến đường bộ đi qua một trong những nhánh đâm ra biển của dãy Trường Sơn Nam. Trước đây khi chưa có quốc lộ 1D thì đèo là con đường chính để qua lại giữa Bình Định và Phú Yên.
(*) Phú Cốc: Đèo Phú Cốc thuộc địa phận xã An Phú, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Xưa kia nơi này có nhiều cọp, beo.
(*) Đèo Quán Cau: Thuộc thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nơi đây trước kia nuôi nhiều ngựa tốt.
(*) Xuân Đài: Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây.
(*) Đồng Bạch: Thuộc xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An
(*) Đồng Bái: Thuộc xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
(*) Gò Duối: Một địa danh thuộc thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc, phía bắc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ngày xưa, khi dựng làng, vùng này là một mảng đất thổ rộng, có vô số cây cối mọc chi chít. Người dân chia thành từng ô rồi san bằng, đám cao làm rẫy thổ, đám thấp làm ruộng lúa, những cây duối đứng thành hàng làm ranh giới cho từng đám, từng hộ đã khai phá. Về sau duối lớn, cứ vài ba năm người ta chặt tàng làm củi đun bếp, cây duối vẫn còn tồn tại trên vùng này nên nơi ấy được gọi là Gò Duối.
(*) Gò Găng: Làng thuộc xã Thuận Chính, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, có nghề làm nón ngựa thường được gọi là nón Gò Găng.
(*) Giếng Hai: Một xóm thuộc thôn Phú Long, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thời Pháp thuộc, ở vùng đất nam Tuy An gồm các xã An Hòa, An Chấn, An Mỹ và An Hiệp, phong trào hò khoan, hát rập phát triển mạnh. Giếng Hai là một trong những địa điểm tụ hội nam nữ gặp nhau để hò hát. Trai các nơi tìm hiểu qua câu hò giọng hát để nên duyên, trong đó trai xóm Cầu lui tới thường xuyên.
(*) Hòa Đa: Một thôn thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đây là một trong những trung tâm phát triển kinh tế và văn hóa của các thôn phía nam huyện Tuy An, ngoài nghề trồng lúa nước còn phải kể đến nghề làm bánh tráng. Bánh tráng Hòa Đa nổi tiếng vì bột mịn, bánh đều không chỗ dày chỗ mỏng và nhúng ăn rất dẻo, là một nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Phú Yên.
(*) Hòa Đồng: Một xã thuộc huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên, Việt Nam.
(*) Hòn Ngang: Xóm thuộc xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) Hòn Ó: Một trong ba đảo nhỏ thuộc dãy đảo Điệp Sơn, vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
(*) Hòn Sung: Còn gọi là Trưng Sơn, một hòn núi thấp thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đây là nơi phát tích của anh hùng Mai Xuân Thưởng và anh em nhà Tây Sơn.
(*) Hương Cần: làng thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Quýt Hương Cần thơm ngon nổi tiếng, ngày xưa từng là đặc sản tiến vua.
(*) Làng Duy Tinh: Thuộc xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một ngôi làng cổ có từ trước thời Lý, đã từng là tỉnh lỵ của Thanh Hóa. Duy Tinh có ba con sông chảy qua là sông Trà, sông Lạch Trường và sông Ấu. Có quốc lộ 10 đi qua. Ngoài ra còn có cầu chợ Phủ, phường Cá, phường Bè, phường Cau,... có chợ giao thương, mua bán sầm uất.
(*) Lê Thái Tổ: Tên thật là Lê Lợi, là vị hoàng đế đầu tiên của triều Hậu Lê. Ông khởi xướng khởi nghĩa Lam Sơn, tự xương là Bình Định Vương, chiến đấu chống lại sự xâm chiếm của quân đội nhà Minh từ năm 1418 cho đến lúc đánh đuổi hoàn toàn quân Minh ra khỏi Đại Việt vào năm 1428. Ông được coi là vị vua huyền thoại của Đại Việt không chỉ bởi tài năng quân sự, mà còn bởi tài cai trị, đã lãnh đạo người dân Đại Việt xây dựng và tái thiết lại một đất nước điêu tàn khi bị quân đội nhà Minh phá hủy mọi thứ.
(*) Lê Thái Tông: Tên húy Lê Nguyên Long, là vị hoàng đế thứ hai của hoàng triều Lê nước Đại Việt. Triều đại của Lê Thái Tông đánh dấu một thời kì thịnh trị trong lịch sử Việt Nam, tiếp nối thành tựu của thời đại Lê Thái Tổ. Dưới thời Lê Thái Tông, trăm họ được hưởng thái bình thịnh trị.
(*) Lộc Trì: thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là vùng đất rộng, trồng nhiều mía, ngô, khoai.
(*) Lương Văn Chánh: Một võ quan của chúa Nguyễn thời Lê trung hưng, được phong tước Phù Nghĩa hầu, người nhận lệnh Chúa Nguyễn Hoàng đánh chiếm Thành Hồ năm 1578 và đưa lưu dân vào lập nghiệp tại Phú Yên năm 1597.
(*) Cóc: Ngọn núi cao thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, có nhiều khe dốc, nơi có chùa cổ Châu Lâm Tự.
(*) Hòn Ngang: Tên một ngọn núi thấp nằm chênh chếch từ đông sang tây thị trấn Củng Sơn, dài hơn cây số, cao chừng 35m. Trước kia núi có nhiều cây rậm rạp, sau đó dân làm rẫy phân chia thành từng khoảng nhỏ trồng các loại cây lương thực ngắn ngày.
(*) Hòn Ông, hòn Bà: Núi Hòn Ông đứng giữa dãy núi Nam Sơn, chung quanh núi non la liệt, khói quyện mây tuôn, cảnh trí tuyệt đẹp. xung quanh có nhiều núi cao và có danh như hòn Bà Cương, tục gọi là Hòn Bà.
(*) Hòn Vung: Nằm ở thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Núi Lá: Núi Lá có các đỉnh cao 303m và 453m, nằm trải dài dọc theo phía nam sông Ba, nay chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.
(*) Ngân Sơn: Thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, ngày trước là phường lụa Ngân Sơn. Ngày đó, phường lụa có ba sản phẩm là gấm, lụa và lãnh. Lụa và lãnh lúc ấy rất đắt, chỉ có nhà khá giả mới mua nổi mà mặc. Gấm của phường lụa Ngân Sơn từng là sản phẩm cống vua.
(*) Nhạn Tháp: Tháp Nhạn, hay tháp Dinh, nằm bên bờ bắc sông Đà Rằng, trên núi Nhạn, thuộc phường 1, TP Tuy Hòa. Tháp là nơi thờ phụng thần linh theo tín ngưỡng người Chăm, có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII.
(*) Phú Đa: Làng thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
(*) Phù Mỹ: Một huyện thuộc tỉnh Bình Định, nguyên là đất huyện Phù Ly cũ, năm 1983 chia làm hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát.
(*) Phú Phong: Làng thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, có nghề dệt lụa. Con gái Phú Phong có tiếng là đẹp người, đẹp nết.
(*) Phú Yên: Một tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, có đồng bằng Tuy Hòa, được xem là vựa lúa của miền Trung.
(*) Phường Lụa: Vùng đất thuộc thôn Ngân Sơn, xã An Thạch, hịên nay thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày xưa, cư dân nơi này dệt lụa, lãnh nổi tiếng.
(*) Sông Cầu: Thị xã nằm ở ven biển cực bắc của tỉnh Phú Yên. Nơi đây có chiều dài đường bờ biển lớn nhất tỉnh, với nhiều danh thắng như Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông, Vịnh Hòa, Bãi Tràm, Bãi Bàu...
(*) Sông Dinh: Một nhánh của sông Đà Rằng chảy quanh thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nay đã bị bồi lấp.
(*) Sông Gianh: Còn gọi là Linh Giang, chảy trên địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hoá, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn để đổ ra biển Đông ở Cửa Gianh.
(*) Sông Hinh: Một phụ lưu cấp 1 phía hữu ngạn của sông Đà Rằng. Sông chảy qua huyện M'Drăk, tỉnh Đắk Lắk và huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.
(*) Sông Thanh: tên khác Sông Đắk Peng, là một con sông đổ ra sông Vu Gia. Sông Thanh chảy qua các tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, Việt Nam.
(*) Suối Mít: Nằm ở thôn Hòa Trinh, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Suối Mít phát nguyên từ phía tây xã Sơn Định chảy ra Sông Cái, ngày trước hai bên bờ dân ở khá đông chuyên trồng mít.
(*) Suối Từ Bi: Nằm ở thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) Tam Quan: Một thị trấn thuộc huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định. Thị trấn nằm ở phía Bắc Hoài Nhơn, là trung tâm kinh tế, văn hoá phía Bắc Hoài Nhơn. Tam Quan đặc trưng với rừng dừa bạt ngàn, với các đặc sản như mè xửng, bánh trán nước dừa, bún...
(*) Tống Sơn: Huyện Tống Sơn trước đây, sau chia thành huyện Hà Trung và huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nơi có loại mía tiến gọi là mía Đường Treo.
(*) Tuy Hòa: Địa danh nay là thành phố Tuy Hòa trực thuộc tỉnh Phú Yên. Nơi đây được mệnh danh là vựa lúa của miền Trung, có nhiều thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng. Ngày nay, hoạt động kinh tế đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và du lịch.
(*) Từ Thức: Từ Thức là một nhân vật huyền thoại vào đời nhà Trần trong truyện dã sử Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Ông quê ở Tống Sơn - Hòa Châu - Thanh Hóa và được hư cấu là một người gặp được tiên và ở cùng tiên nữ trong chốn tiên cảnh. Tương truyền nơi ông gặp tiên chính là động Từ Thức.
(*) Thạch Tuyền: Làng thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
(*) An Dân: Một xã thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) Xóm Cầu: Ở phía tây thôn Phú Long, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Theo ĐT643 lên Vân Hòa chừng 2,5km, nơi ấy có cây cầu bắc qua suối rộng. Trước kia cầu bằng gỗ, nay cầu đúc bằng xi măng cốt sắt.