(*) An Hội: Làng An Hội trước đây, nay là phần đất của thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
(*) Ao Bà Om: Một thắng cảnh độc đáo và nổi tiếng ở tỉnh Trà Vinh, vì gần với hình vuông nên còn được gọi là Ao Vuông. Theo truyền thuyết, để có hồ nước ngọt dùng trong mùa khô, dân làng người Khmer tổ chức cuộc thi đào ao giữa hai nhóm phái nam và nữ đồng thời cũng để quyết định phái nào thua sẽ phải đi cưới hỏi phái kia. Bên phái nam ỷ sức mạnh, vừa làm vừa chơi. Bên phái nữ dưới sự lãnh đạo của người tên Om, dùng nhiều mưu mẹo để trì hoãn nhóm nam. Khi đào gần xong, họ còn cho thả đèn lồng ở phía đông làm cho nhóm nam tưởng là sao Mai đã mọc nên nghỉ sớm. Sau cuộc thi, nhóm nam thua cuộc và ao của họ hiện vẫn còn dấu tích tuy đã cạn nước. Ao của nhóm nữ được đặt tên theo tên của bà Om.
(*) Ba Vát: Một làng thuộc xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.
(*) Ba Xuyên: Là tên một tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ thời Việt Nam Cộng hòa, tỉnh lỵ là thị xã Khánh Hưng, tồn tại trong giai đoạn 1956-1975.
(*) Bến Tre: Một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Bến Tre có diện tích trồng lúa khá lớn, do phù sa sông Cửu Long bồi đắp, đặc biệt là ở Hàm Luông. Ngoài ra, Bến Tre có nhiều loại cây ăn trái như cam, quýt, sầu riêng, chuối, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, xoài cát, bòn bon, dứa, vú sữa, bưởi da xanh,... Trong chiến tranh, Bến Tre được coi là "quê hương Đồng khởi", mở đầu cho cao trào đấu tranh vũ trang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chống chế độ Ngô Đình Diệm, khốc liệt nhất là trong năm 1960.
(*) Bùi Hữu Nghĩa: (1807 - 1872), hay Thủ Khoa Nghĩa, là quan nhà Nguyễn, là nhà thơ và là nhà soạn tuồng Việt Nam. Ông từng là tri huyện Trà Vang (tức Trà Vinh, lúc bấy giờ thuộc tỉnh Vĩnh Long).
(*) Bún nước lèo: Một đặc sản của Trà Vinh, món bún của người Khmer được nấu từ mắm bò hóc và nhiều loại cá khác, ăn kèm với đủ loại rau sống và chả giò chiên, thịt heo quay. Với người Trà Vinh xa quê hương, bún nước lèo như là sợi dây để nhắc họ nhớ về quê hương.
(*) Chùa Ông Mẹt: Một ngôi chùa cổ ở Trà Vinh, thuộc hệ phái Nam tông Khmer, bên trong chính điện thờ duy nhất Phật Thích Ca. Chùa đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia.
(*) Hiếu Tử: Một xã thuộc huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, trước thuộc vùng Trà Tử.
(*) Mỏ Cày: Huyện Mỏ Cày (cũ), thuộc tỉnh Bến Tre; năm 2009 chia thành 2 huyện: Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Đây là nơi có đặc sản kẹo dừa, thuốc lào ngon.
(*) Núi Bà Đen: Một ngọn núi nằm trong quần thể di tích văn hóa lịch sử núi Bà Đen, được biết đến bởi phong cảnh hữu tình và nhiều huyền thoại tại Tây Ninh.
(*) Nguyễn Đình Chiểu: Tục gọi là Đồ Chiểu (khi dạy học), là nhà thơ lớn nhất của miền Nam Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 19. "So với các trước tác của các nhà văn cùng thời, Nguyễn Đình Chiểu đã có một thái độ tích cực hơn, vì dân vì nước hơn. Tuy không đứng vào hàng ngũ cầm khí giới, nhưng ông rất có cảm tình với họ, chia sẻ với họ cái hờn mất nước, lòng căm ghét quân địch và bọn hợp tác..." (Phạm Thế Ngũ)
(*) Nhơn Ái: Địa danh nay là một xã thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ.
(*) Phan Thanh Giản: (1796 - 1867), là một danh sĩ, một đại thần triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông từng giữ chức Kinh lược phó sứ Vĩnh Long, về sau là Kinh lược đại sứ.
(*) Sông Ba Lai: Một con sông lớn tại tỉnh Bến Tre, là ranh giới tự nhiên giữa cù lao An Hóa và cù lao Bảo.
(*) Sông Bến Tre: Một con sông nhỏ tại tỉnh Bến Tre, bắt đầu từ xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, chảy quanh co theo hướng tây bắc đến địa phận thị xã Bến Tre thì chia làm hai nhánh, một nhánh theo hướng bắc đổ ra sông Ba Lai tại ngã tư An Hoá, một nhánh theo hướng tây-nam đổ ra sông Hàm Luông tại xã Mỹ Thạnh An, thị xã Bến Tre.
(*) Sông Hàm Luông: Là một phân lưu của sông Tiền chảy qua tỉnh Bến Tre, đổ ra Biển Đông tại cửa Hàm Luông. Sông có chiều dài khoảng 70 km, giữa sông có các cù lao lớn như cù lao Đất, cù lao Linh, cù lao Ốc. Sông có tên gốc là Hàm Long, nhưng dưới thời phong kiến Nhà Nguyễn, do "kỵ húy" để tránh chữ Long (Long là rồng, tượng trưng cho nhà vua), người ta gọi chệch là Luông và lâu ngày thành quen. Vùng sông Hàm Luông trù phú với những miệt vườn cây trái sum xuê, nơi đây có đặc sản măng cụt ngọt như đường phèn.
(*) Tây Ninh: Một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ Việt Nam. Tây Ninh nổi tiếng với những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Tỉnh có vị trí quan trọng trong mối giao lưu trao đổi hàng hoá giữa các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời được xem là một trong những cửa ngõ giao lưu về quốc tế quan trọng giữa Việt Nam với Campuchia, Thái Lan…
(*) Trà Vinh: Vùng lãnh thổ ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Nơi đây có kho tàng văn hóa đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer.
(*) Trần Trung Tiên: Trần Tuyên (hay Trần Trung Tiên), là quan nhà Nguyễn, tử trận khi cầm quân đi đánh dẹp cuộc nổi dậy của Lâm Sâm ở Lạc Hóa. Ông được thờ phụng tại đình Vĩnh Yên ở xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.
(*) Vĩnh Long: Tỉnh nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thuộc miền Nam Việt Nam. Tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, dạng địa hình khá bằng phẳng với độ dốc nhỏ hơn 2 độ, không có núi đồi, địa hình lòng chảo, trũng ở trung tâm và cao dần về phía Bắc, Đông Bắc và Nam Đông Nam, bị chia cắt bởi nhiều con sông và kênh rạch.