(*) Ải Lao: Còn gọi là Sơn Lao thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Trước thế kỷ 19 là xã Sơn Lao thuộc tổng Sơn Giao, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc.
(*) Làng Ảm: Làng Ảm Chương thuộc xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh. Xưa con gái làng này có tiếng chua ngoa, đanh đá.
(*) Làng Khoai: Làng An Khoái, tên Nôm gọi là làng Khoai, thuộc xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Nơi đây xưa có tục thách cưới rất nặng.
(*) Ao Cá: Ngôi làng thuộc xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, nơi có truyền thống võ vật.
(*) Ba Chạ: Làng gồm ba thôn Đông, Sấu, Tháp thuộc vùng đất Liễu Đôi (Liêm Túc), huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam ngày nay. Nơi đây xưa có truyền thống võ vật, có nhiều đô vật nổi tiếng, thường được gọi là vật Liễu Đôi.
(*) Ba Voi: Gò Ba Voi thuộc xã Kim Chân, tỉnh Bắc Ninh.
(*) Bạch Hạc: Huyện Bạch Hạc (cũ) thuộc tỉnh Phú Thọ. Nơi đây có giống hồng ăn quả ngon nổi tiếng, thường được gọi là hồng Bạch Hạc hay Hồng Hạc.
(*) Bàn Giản: Một xã thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
(*) Bến Tuần: Bến đò thuộc xã Hùng Nhĩ, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
(*) Cửa Thần Phù: Cửa Thần Phù vốn là một cửa biển hiểm yếu xa xưa nằm trên tuyến đường thủy hành quân Nam tiến của người Việt nên được gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ trong dân gian và sử sách. Cửa Thần Phù ngày nay đã bị phù sa bồi đắp và trở thành vùng đất nằm cách bờ biển hơn 10 km. Trước đây khu vực này thuộc tỉnh Ninh Bình, dưới thời Nguyễn, một phần được tách về tỉnh Thanh Hóa. Cửa biển Thần Phù hiện nằm trên tuyến sông Nhà Lê, thuộc ranh giới giữa 2 xã Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình và Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa.
(*) Chợ Dưng: Một ngôi chợ thuộc làng Văn Trưng, xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, có hàng hoá vô cùng phong phú. Chợ mỗi tháng họp sáu phiên thu hút đông đảo dân chúng quanh vùng.
(*) Chợ Lồ: Thuộc xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Chợ họp một tháng sáu phiên vào các ngày 4, 9 âm lịch.
(*) Chợ Lối: Thuộc xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
(*) Chợ Luông: Thuộc xã Vân Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
(*) Chợ São: Thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
(*) Chùa Bổ Đà: Còn được gọi là chùa Bổ, chùa Tam Giáo, là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền đất Kinh Bắc, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Chùa toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc dòng sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
(*) Chùa Kim Tràng: Thuộc xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, là ngôi chùa tổ lớn thứ ba của vùng Bắc Giang.
(*) Chùa Vĩnh Nghiêm: Còn được gọi là chùa Đức La, thuộc thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đây được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và là trung tâm Phật giáo thời Trần.
(*) Dương Sơn: Làng Dương Sơn thuộc xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Làng cách Hòa Làng một quả đồi, cùng nổi tiếng về tài nói khoác.
(*) Ba Dội: Tức đèo Tam Điệp, tổ hợp đèo trên núi Tam Điệp ở ranh giới tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, Việt Nam. Đèo Ba Dội là tên Nôm của đèo Tam Điệp, xuất hiện trong thơ Hồ Xuân Hương, trong tiếng Việt cổ có nghĩa là ba đợt, ba lớp.
(*) Đền Lải: Ngôi đền nay thuộc xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
(*) Đền Quán Thánh: Đền Quán Thánh, tên chữ là Trấn Vũ Quán, có từ đời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa. Đền Quán Thánh nằm bên cạnh Hồ Tây, cùng với chùa Kim Liên và chùa Trấn Quốc tạo nên sự hài hòa trong kiến trúc cảnh quan và trong văn hóa tín ngưỡng đối với cả khu vực phía Tây Bắc của Hà Nội.
(*) Đinh Xá: Ngôi làng thuộc xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
(*) Độc Tôn: Một ngọn núi cao hiểm trở nằm ở phía đông huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
(*) Đồn Vàng: Đồn do Pháp lập ra ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú (cũ), nay là phố Vàng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
(*) Đồng Chèm: Tên nôm của làng Thụy Phương, nay thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
(*) Đồng Lầm: Tên nôm của làng Kim Hoa, sau đổi thành Kim Liên, nay thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Xưa kia làng có nghề nhuộm vải nâu, có nhiều hồ ao lạch nên có nghề thả cá.
(*) Hậu long: Miếng võ hiểm.
(*) Hòa Làng: Làng Hòa Làng thuộc xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, nổi tiếng về tài nói khoác.
(*) Hồ Hoàn Gươm: Hồ Hoàn Kiếm còn được gọi là Hồ Gươm là một hồ nước ngọt tự nhiên nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội. Trước kia, hồ còn có các tên gọi là hồ Lục Thủy vì nước có màu xanh quanh năm, hồ Thủy Quân vì dùng để duyệt thủy binh… Đến thế kỷ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm, gắn liền với truyền thuyết trả gươm thần cho Rùa Vàng: Khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Lê Thái Tổ về đóng đô ở Thăng Long, trong một lần nhà vua đi chơi thuyền trên hồ Lục Thủy, bỗng một cụ rùa lớn xuất hiện. Lê Thái Tổ giơ gươm ra thì gươm bay về phía cụ rùa. Rùa ngậm gươm lặn xuống đáy hồ, và từ đó hồ Lục Thủy có tên gọi mới là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) hay hồ Gươm….
(*) Hội chợ Dưng: Lễ hội đền thờ Đức Ông, hay Lễ hội chợ Dưng, được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, tại đền thờ Đức Ông nằm bên cạnh đầm Dưng, xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Lễ hội được tổ chức với mong ước cả năm đó cuộc sống của người dân được ấm no, mùa màng tốt tươi.
(*) Hùng Nhĩ: Xã thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, có truyền thống về hát ghẹo.
(*) Kẻ Bãi: Tên Nôm của làng Phấn Lôi Hạ, thuộc xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Xưa có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa.
(*) Kẻ Dầu: Làng Dầu, còn gọi là làng Đạo Chân, thuộc xã Kim Chân, tỉnh Bắc Ninh. Quán Đình Thanh vốn ở cánh đồng Bờ Thành, liên quan đến truyền thuyết Thánh Gióng. Hội làng Đạo Chân diễn ra vào ngày 18 - ngày 20 tháng mười âm lịch, có tục đua thuyền, thi giã bánh giầy, rước tượng thần Thành hoàng.
(*) Kẻ Rủi: Còn gọi là làng Kim Đôi, thuộc xã Kim Chân, tỉnh Bắc Ninh.
(*) Kẽm Dõm: Một đèo trên núi Sóc Sơn, giữa hai huyện Kim Anh và Đa Phúc cũ, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
(*) Kha Lý:Tên Nôm là Ải Xe, thuộc xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Có một thời nơi đây từng là trung tâm buôn bán rất sầm uất, dân cư giàu có nổi tiếng trong vùng.
(*) Làng Vòng: Tên Nôm là làng Dịch Vọng, thuộc huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Làng có nghề làm cốm, gọi là "cốm Vòng".
(*) Lão Hộ: Làng thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, có nghề trồng chè từ lâu đời.
(*) Cướp cầu: Ngày 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, lễ hội đả cầu cướp phết được tổ chức tại xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Tương truyền, vào thời vua Hùng, bốn vị tướng lĩnh tài giỏi gồm Đệ nhất Xá Sơn, Đệ nhị Lê Sơn, Đệ Tam Tròn Sơn, Đệ tứ Xui Sơn được cử về trấn ải miền Đông Lai, Bản Giản, Lập Thạch để dẹp loạn, dẹp giặc, hộ quốc phù dân. Trong thời gian trấn nhậm, để rèn luyện sức khỏe và tài khéo cho quân lính, các vị tướng đã nghĩ ra một trò chơi khá gai góc, đó là đẽo gọt một quả cầu gỗ tròn nhẵn tựa quả bưởi lớn, bôi dầu mỡ cho trơn rồi lăn ra giữa bãi cho quân lính tranh cướp, ai giành được quả cầu đem về đặt nơi qui ước sẽ được tưởng thưởng. Bởi vậy, hàng năm cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng nhân dân trong vùng lại nô nức tụ hội tham gia lễ hội đả cầu-cướp phết vừa để ghi nhớ công lao của bốn vị tướng anh hùng, vừa để cầu cho một năm mới nhiều may mắn, tốt lành.
(*) Lê Thái Tổ: Tên thật là Lê Lợi, là vị hoàng đế đầu tiên của triều Hậu Lê. Ông khởi xướng khởi nghĩa Lam Sơn, tự xương là Bình Định Vương, chiến đấu chống lại sự xâm chiếm của quân đội nhà Minh từ năm 1418 cho đến lúc đánh đuổi hoàn toàn quân Minh ra khỏi Đại Việt vào năm 1428. Ông được coi là vị vua huyền thoại của Đại Việt không chỉ bởi tài năng quân sự, mà còn bởi tài cai trị, đã lãnh đạo người dân Đại Việt xây dựng và tái thiết lại một đất nước điêu tàn khi bị quân đội nhà Minh phá hủy mọi thứ.
(*) Liễu Đôi: Làng ở vùng đồng chiêm trũng thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Làng có truyền thống võ vật, vào ngày xuân có Hội xuân với Hội vật võ, Hội thi nấu ăn có tên “món ăn trình làng”. Sau khi làng chấm giải, món ăn được bán cho khách thập phương cùng thưởng thức. Trong hội xuân còn có tục làm bánh giầy rất to và rất công phu.
(*) Mão Điền: Tên Nôm gọi làng Chằm, thuộc xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
(*) Nón thúng quai thao: Một chiếc nón thúng quai thao quan hệ mật thiết với 4 làng: lá hồ để làm nón mua ở chợ Sao; móc để khâu nón mua ở chợ Lối; khua nón mua ở chợ Luồng; làm xong được bán nhiều ở chợ Dưng.
(*) Nội Hoàng: Nội Hoàng xưa kia là một làng nhất thôn nhất xã, thuộc huyện Yên Dũng, được đánh giá là một trong những ngôi làng cổ của tỉnh Bắc Giang. Cách thành phố Bắc Giang 5km về phía Nam, làng Nội Hoàng nằm giữa hai sườn Bắc và Nam của dãy núi Nham Biền nơi có dòng sông Thương và sông Cầu thơ mộng xuôi về phía Lục Đầu. Ở đây còn bảo lưu được nhiều nét văn hoá, phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp, thể hiện qua nhiều hình thức: các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, các lễ hội, truyền thuyết, các trò chơi dân gian. Người Nội Hoàng vẫn giữ được nếp sống truyền thống, của một làng quê Việt Nam.
(*) Ba Vì: Dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km. Nơi dây gắn liền với sự tích Sơn Tinh - Thủy Tinh.
(*) Dục Thúy: Dục Thúy Sơn, hay núi Non Nước là một ngọn núi nằm ngay trên ngã ba sông Vân với sông Đáy, kẹp giữa 2 cây cầu Non Nước và cầu Ninh Bình.
(*) Lam Sơn: Còn gọi là núi Chàm, thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh.
(*) Nghè Nếnh: Thuộc thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, cách TP Bắc Giang khoảng 13 km về phía Tây Nam, cách thủ đô Hà Nội khoảng 38 km về phía Đông Bắc. Di tích được xây dựng từ thế kỷ 16 - 17 để phụng thờ đức thánh Tam Giang. Đến năm Giáp Dần niên hiệu Đức Nguyên nguyên niên (1674) có người ở xã Như Thiết cùng huyện là Hán Quận công Thân Công Tài làm quan Đô Đốc các xứ Kinh Bắc, Lạng Sơn đã công đức cho địa phương 100 mẫu ruộng, 7 xâu tiền, 700 quan để trùng tu tôn tạo nghè Nếnh. Từ đó nghè Nếnh thờ phối hưởng cả Hán Quận công Thân Công Tài. Tương truyền nghè Nếnh rất linh thiêng và là công trình tín ngưỡng của cả tổng Mật Ninh cho nên lễ hội rất lớn nổi tiếng khắp vùng.
(*) Ngọc Bội: Một làng thuộc xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
(*) Phấn Lôi: Tên chung chỉ các làng Phấn Lôi Núi, Phấn Lôi Hạ thuộc xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Nơi đây có nghề cắt ràng chặt củi để cung cấp chất đốt cho các lò gốm ở Thổ Hà, Phù Lãng và các lò gạch. Xưa kia con gái làng này có tiếng là xinh đẹp.
(*) Phấn Sở: Làng thuộc xã Đồng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
(*) Phấn Sơn: Làng thuộc xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
(*) Phấn Trì: Làng thuộc xã Đồng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
(*) Phố Ẻn: Một làng nay thuộc xã Vũ Yển, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, là nơi tụ hội của thuyền bè, dân cư sống bằng nghề buôn bán trên sông nước.
(*) Phù Lãng: Làng Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Làng có nghề làm đồ gốm sành truyền thống.
(*) Sông Bạch Đằng: Còn gọi là Bạch Đằng Giang hay Sông Rừng, hiệu là sông Vân Cừ, là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), nằm trong hệ thống sông Thái Bình. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với ba chiến công của dân tộc Việt Nam: Trận thủy chiến của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938 đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, trận thủy chiến sông Bạch Đằng của Hoàng đế Lê Đại Hành năm 981 đập tan quân Tống và trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 1288 do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy đánh tan quân xâm lược Nguyên.
(*) Sông Bờ: Còn gọi sông Đà, là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam, tới Việt Nam chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nhập với sông Hồng ở "ngã ba sông" (Việt Trì, Phú Thọ).
(*) Sông Bứa: Sông Bứa là một con sông đổ ra Sông Thao. Sông có chiều dài 117 km, chảy qua các tỉnh Sơn La, Phú Thọ.
(*) Sông Cái: Tên dân gian theo nghĩa "sông Mẹ" của sông Hồng.
(*) Sông Lô: Sông Lô là phụ lưu cấp một ở tả ngạn sông Hồng, chảy từ Trung Quốc sang các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Phú Thọ, Việt Nam.
(*) Sông Nhị Hà: Sông Nhị Hà, hay Nhĩ Hà là đoạn sông Hồng, (sông Cái) chảy qua Hà Nội, phía bắc, có thể tính là qua các huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn), phía nam đến huyện Thanh Trì...
(*) Sông Rân: Con sông chảy qua địa phận xã Hùng Nhĩ, tỉnh Phú Thọ.
(*) Sông Thao: Dòng chính của sông Hồng, bắt nguồn từ Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, vào Việt Nam ở tỉnh Lào Cai, chảy đến ngã ba Hạc ở Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thì hợp lưu với sông Đà và sông Lô. Tại Việt Nam, sông chảy qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ.
(*) Sơn Nga: Một xã trước đây, nay thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
(*) Sơn Tây: Trước đây là một tỉnh thuộc đời Minh Mạng. Năm 1963 hợp nhất với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Năm 2008, tỉnh Hà Tây sát nhập vào Hà Nội.
(*) Tam Đảo: Tam Đảo là một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc Việt Nam nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo, vì ở đây có ba ngọn núi cao nhô lên trên biển mây, đó là Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa.
(*) Thanh Lanh: Một làng nay thuộc xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. trước kia là vùng rừng núi lam sơn chướng khí, nổi tiếng ma thiêng nước độc.
(*) Thăng Long: Kinh đô của nước Đại Việt, tên cổ của Hà Nội từ năm 1010 đến 1788. Tên Thăng Long gắn liền với truyền thuyết về việc dời đô của Lý Thái Tổ. Theo truyền thuyết, khi thuyền của nhà vua vừa cập bến dưới thành Đại La thì thấy một con rồng vàng xuất hiện. Rồng uốn lượn như chào mừng nhà vua đến đóng đô trên vùng đất này rồi bay lên khuất trong mây. Vì thế vua mới xuống chiếu đổi tên thành Đại La thành Thăng Long, tức "rồng bay lên".
(*) Thổ Hà: Làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Làng có nghề nung vôi và làm đồ gốm.
(*) Vạn Đình: Thôn Vạn Đình thuộc xã Kim Chân, tỉnh Bắc Ninh.
(*) Vạn Vân: Làng Vạn Vân còn gọi là làng Đại Bạng, thuộc xã Phong Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Làng có nghề nấu rượu, nấu nước mắm cổ truyền.