(*) Bạch Câu: Cửa biển thuộc địa phận xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
(*) Bàn Thạch: Chợ nằm ở phía nam cầu Bàn Thạch (thôn Bàn Thạch, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa). Mỗi tháng chợ họp 6 phiên vào các ngày mồng 2, 6, 12, 16, 22, 26. Dân gian có câu: “Chợ Bàn Thạch nhiều lươn” bởi cánh đồng từ Đông Mỹ vào phía bắc cầu Bàn Thạch và từ phía nam cầu Bàn Thạch đến Phú Khê, Hảo Sơn là nơi sinh sản lươn rất nhiều. Ngày trước phương tiện giao thông khó khăn, người dân bắt được chỉ có đem ra chợ bán cho lái buôn mua về thị xã Tuy Hòa.
(*) Chùa Đá Trắng: Một ngôi chùa thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đây là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất của tỉnh Phú Yên với giá trị to lớn về mặt tôn giáo, văn hóa, lịch sử xã hội, do nằm trên một triền núi có nhiều tảng đá trắng nên thường được gọi là chùa Đá Trắng. Xung quanh chùa là một vườn trồng giống xoài quý cũng có tên là xoài Đá Trắng, còn có tên là “xoài Ngự”, “xoài tiến”, tương truyền có hương vị rất đặc biệt, vừa thơm dịu, vừa ngọt lịm khiến ai đã từng nếm thử đều không thể quên.
(*) Xuân Đài: Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây.
(*) Đồng Cọ: Là một vùng trũng ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, một thời đường sá đi lại lầy lội quanh năm. Mùa đông mưa gió lê thê, mưa dai dẳng từ ngày này sang ngày khác, gọi là mưa Đồng Cọ.
(*) La Hai: Một thị trấn miền núi thuộc huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 45 km.
(*) Long Thủy: Ngôi làng nằm sát biển có tên cũ là Mỹ Á, trước thuộc xã An Phú, huyện Tuy An, nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Làng nổi tiếng có dừa xiêm uống nước rất ngọt, mát. Vườn dừa Long Thuỷ rợp bóng mát, quanh năm che phủ cả thôn.
(*) Núi Xách Quần: Tại dãy Kim Sơn thuộc tỉnh Bình Định có nhiều ngọn núi cao, lớn, hiểm yếu. Ở đây có dãy núi đứng nghiêng nghiêng về phía Tây Nam, hình giống như đàn bà vừa "đi việc cần" xong đứng dậy, tay còn xách quần, nên người dân địa phương còn gọi là núi "xách quần".
(*) Vũng Chào: Một vũng biển nhỏ nằm trong vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Có tên như vậy vì mỗi lần ngư dân đánh bắt được các loại cá to (cá bò, cá ngừ...), các ghe thuyền lái buôn vào mua cá, dân phải tiếp đón, chào mời niềm nở với họ.
(*) Vũng Dông: Một vũng biển nhỏ nằm trong vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Tại đây trước kia có nhiều con dông, cư dân thường làm bẫy bắt để làm thức ăn cho gia đình và bán lại cho khách.
(*) Vũng La: Một vũng biển nhỏ trong vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ở đây có hai mỏm núi nhô ra biển nên cá thường vào ẩn trú. Mỗi lần có mẻ cá dạt vào, ngư dân hô hoán la to, báo hiệu cùng nhau đem thuyền lưới ra bắt, lệ ấy thành quen, từ đó có tên là Vũng La.
(*) Vũng Lấm: Hay Vũng Lắm, còn có tên Ao Xóm Lưới, là vũng nhỏ trong vịnh Xuân Đài thuộc thôn Tân Thạnh, nay là phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu. Thời Chúa Nguyễn, Vũng Lấm từng là quân cảng, thương cảng.
(*) Vũng Sứ: Một vũng biển nhỏ trong vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
(*) Yên Phú: Còn gọi là làng An Phú, thuộc xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An