(*) An Lão: Huyện An Lão thuộc vùng trung du tỉnh Bình Định, về mặt địa hình có đồi núi cao, có sông An Lão chảy qua, rừng An Lão có trữ lượng gỗ cao, nơi trồng nhiều hồ tiêu.
(*) An Nong: Ngôi làng thuộc xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
(*) An Ngãi: Làng An Ngãi thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Xưa có nghề dệt lụa.
(*) An Thái: Ngôi làng thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng có nghề dệt lụa và nghề làm bún song thần.
(*) An Thuận: làng nay thuộc địa phận Hương Toàn, Hương Trà, Huế. Làng có nghề truyền thống là làm cốm dẹp.
(*) Ba Hộ: Còn gọi là làng An Hải, hiện thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
(*) Phương Mai: Bán đảo nhỏ nằm phía đông Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nơi đây hội tụ nhiều danh lam thắng đẹp, với địa hình là một vùng núi thấp có nhiều ngọn nhấp nhô, trông xa xa như đầu một con rồng. Tận cùng phía nam của bán đảo là một lưỡi nhọn có hình dạng mũi mác với nhiều hốc đá hiểm trở cũng là nơi chim Yến thường kéo về làm tổ, sinh sôi và nảy nở.
(*) Bàu Súng: Ao nước ngọt phía bắc giáp thôn Phú Hòa, phía nam giáp thôn Hòa Đa, và Phú Long, phía đông giáp thôn Giai Sơn, đều thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Phía tây giáp cánh đồng hẹp ruộng bậc thang tiếp giáp đường hỏa xa. Giữa bàu mọc rất nhiều bông súng trắng và hồng nên người dân đặt tên là Bàu Súng.
(*) Lại Giang: Bến sông thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
(*) Cầu Mống: Hay cầu Suối Cá, bắc qua suối Cá tại tỉnh Phú Yên. Cầu đúc xi măng cốt sắt kiên cố, chỉ có một nhịp, thành cầu hình vòng cung như cái “mống” do đó dân chúng gọi là cầu Mống.
(*) Cù lao Ông Xá: Cù lao trong vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên; nằm đối diện với Vũng Lấm.
(*) Chợ Đèo: Một chợ thuộc xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày trước, chợ là trung tâm thương mại của cả khu vực phía tây Tuy An.
(*) Chợ Giã: Nằm ở thôn Xuân Phu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) Dốc Võng: Gần thị trấn Sơn Hòa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Đá Nhảy: Bãi Đá Nhảy thuộc địa phận huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là một trong những bãi biển đẹp nhất ở Quảng Bình, với những dãy núi đá nhiều hình thù lạ mắt do bị nước biển xâm thực bào mòn, giống như một tác phẩm điêu khắc tuyệt tác của thiên nhiên.
(*) Đầm Ô Loan: Đầm nước lợ thuộc huyện Tuy An, nằm chính giữa và thuộc địa phận các xã An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Hải, An Ninh, An Thạch, thị trấn Chí Thạnh. Đầm rộng khoảng 1.200 ha. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, Ô Loan giống như con phượng đang xòe cánh, còn trên bản đồ, Ô Loan giống như con thiên nga đang thong thả bay. Nơi đây có món đặc sản là sò huyết.
(*) Đập Đồng Cam: Thượng nguồn Sông Ba, Đà Rằng đầu thế kỷ XX có xây dựng đập Đồng Cam. Đây là một công trình quy mô, lấy nước Sông Ba tưới cho hai vạn hecta đồng lúa Tuy Hòa.
(*) Cù Mông: Đèo Cù Mông nằm trên Quốc lộ 1A, là một trong những đèo núi hiểm trở nhất Việt Nam, đường dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao, dễ gây ra tai nạn giao thông. Đèo là ranh giới của 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên, đồng thời là tuyến đường bộ đi qua một trong những nhánh đâm ra biển của dãy Trường Sơn Nam. Trước đây khi chưa có quốc lộ 1D thì đèo là con đường chính để qua lại giữa Bình Định và Phú Yên.
(*) Xuân Đài: Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây.
(*) Đông Hòa: Một huyện đồng bằng ven biển thuộc tỉnh Phú Yên. Huyện nằm về ở phía nam Phú Yên; phía bắc giáp thành phố Tuy Hòa và huyện Phú Hòa; phía nam giáp tỉnh Khánh Hòa và Biển Đông.
(*) Đồng Xuân: Một huyện miền núi nằm ở phía tây bắc tỉnh Phú Yên, Việt Nam.
(*) Gành Đá: Nằm ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Nổi lên giữa một vùng đồng lúa bằng phẳng rộng mênh mông, gành đá này gồm những khối đá mọc thẳng đứng, cao thấp khác nhau với hình thù rất đa dạng, trải dài gần 1 km. Trông kỹ, gành đá như một hòn non bộ khổng lồ nằm giữa những đồng ruộng xanh mướt. Thời gian ngắm gành đá đẹp nhất là lúc bình minh và hoàng hôn, ánh sáng được đá thạch anh phản chiếu thành màu vàng óng hoặc ửng đỏ như một viên hồng ngọc lớn.
(*) Gành Hàu: Địa danh thuộc thôn Tân Hòa, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nằm ở phía Nam bán đảo An Hải.
(*) Gò Găng: Làng thuộc xã Thuận Chính, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, có nghề làm nón ngựa thường được gọi là nón Gò Găng.
(*) Hải Thành: Xã thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
(*) Hòn Chùa: Hòn đảo nằm trong cụm đảo hòn Dứa, hòn Than ngoài khơi của vùng biển Long Thủy, thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Hòn Dứa: Một hòn đảo nhỏ thuộc địa phận thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Trên đảo có rất nhiều dứa mọc thành từng chòm, vì vậy nên đảo có tên Hòn Dứa.
(*) Hòn Ngang: Xóm thuộc xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) Hòn Than: Hòn đảo nằm giữa Hòn Chùa và Hòn Dứa, thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên.
(*) Vọng Phu: Hòn Vọng Phu núi Bà là hai khối đá, một cao, một thấp trông tựa hình người, giống người đàn bà bế con, là một biểu tượng cho lòng chung thuỷ của nghĩa vợ chồng trong tâm thức dân gian.
(*) Hòn Yến: Hòn Yến Tên một đảo đá cao nằm ngoài khơi xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày xưa nơi đây có rất nhiều chim yến đến làm tổ, nên có tên gọi như vậy. Hiện nay Hòn Yến được xem là một thắng cảnh độc đáo của Phú Yên.
(*) Hưng Long: Làng Hưng Long thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, là nơi trồng nhiều xoài ngon.
(*) La Hai: Một thị trấn miền núi thuộc huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 45 km.
(*) La Qua: Làng thuộc thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
(*) Lê Thành Phương: Thường gọi Tú Phương, là người lãnh đạo cuộc chống Pháp tại Phú Yên năm 1885-1887, bị thực dân Pháp và Nam triều xử tử năm 1887.
(*) Lộc Trì: thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là vùng đất rộng, trồng nhiều mía, ngô, khoai.
(*) Lương Văn Chánh: Một võ quan của chúa Nguyễn thời Lê trung hưng, được phong tước Phù Nghĩa hầu, người nhận lệnh Chúa Nguyễn Hoàng đánh chiếm Thành Hồ năm 1578 và đưa lưu dân vào lập nghiệp tại Phú Yên năm 1597.
(*) Mả Cao Biền: Là một gò cát và đất sỏi đá nhô lên như một ngọn đồi thấp ờ thôn Đồng Môn, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Trên đỉnh đồi có một cồn cát nổi cao, trải qua bao nhiêu năm tháng vẫn giữ nguyên không hề bị xói mòn.
(*) Ma Liên: Một làng biển thuộc thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây có Chợ Ma Liên, nay là chợ Mỹ Quang. Chợ họp hàng tháng vào các ngày mùng 1, 11, 21 và mùng 6, 16, 26 âm lịch. Tương truyền xưa thường hay có ma trà trộn vào chợ.
(*) Mai Xuân Thưởng: Một sĩ phu và lãnh tụ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 ở Bình Định. Ông sinh năm 1860 tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Năm 1885 ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, trở về quê Phú Lạc chiêu mộ nghĩa sĩ, lập căn cứ chiến đấu, đến năm 1887 thì cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị giặc bắt và xử trảm tại Gò Chàm (phía đông thành Bình Định cũ). Thi hài ông sau đó được đưa về táng tại Cây Muồng, thuộc thôn Phú Lạc.
(*) Mỹ Hòa: Một thôn thuộc xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Mỹ Thạnh: Địa phận thuộc xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, nơi có nhiều phong cảnh đẹp. Nay chia ra các thôn: Mỹ Thạnh Đông 1, Mỹ Thạnh Đông 2, Mỹ Thạnh Tây 1, Mỹ Thạnh Tây 2 và thôn Thạnh Trung.
(*) Mỹ Thuận: Một thôn thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Núi Bà Nà: Thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, có độ dốc khá cao, đi lại khó khăn.
(*) Núi Bà, Bình Định: Thuộc địa phận huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
(*) Núi Bạch Mã: Núi Bạch Mã hay Dãy Bạch Mã là một dãy núi đẹp, là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng. Dãy núi này nằm trong vườn quốc gia Bạch Mã.
(*) Núi Cà Tang: Còn gọi núi Bà, tên một ngọn núi cao 452 m thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.
(*) Núi Chóp Chài: Thuộc địa phận xã Bình Kiến, ngoại ô thành phố Tuy Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km về phía Tây Bắc. Đứng trên độ cao, từ xa trông về hướng núi thì Chóp Chài tựa như một chiếc chài đang khởi vãi trên mặt hồ rộng, vì vậy nên nó có tên chữ là Nựu Sơn (núi như cái nút nhỏ). Còn căn cứ vào hình dáng và thế núi thì nó còn có tên khác là Qui Sơn, bởi khi nhìn gần núi trông giống một con rùa đang thò cổ ra bò trên mặt đồng rộng, mà đầu quay ra quốc lộ. Do đó, Chóp Chài còn có tên gọi trong dân gian là hòn Cổ Rùa.
(*) Núi Nhạn: Núi Nhạn, còn gọi là núi Nhạn Tháp, núi Bảo Tháp, núi Tháp Dinh hay núi Khỉ; là ngọn núi nhỏ nằm giữa đồng bằng Tuy Hòa, trên bờ bắc sông Đà Rằng, thuộc phường I, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Trên đỉnh núi có Tháp Nhạn, một tháp Chăm cổ.
(*) Nhạn Tháp: Tháp Nhạn, hay tháp Dinh, nằm bên bờ bắc sông Đà Rằng, trên núi Nhạn, thuộc phường 1, TP Tuy Hòa. Tháp là nơi thờ phụng thần linh theo tín ngưỡng người Chăm, có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII.
(*) Phú Diễn: Một thôn thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Phú Lạc: Làng thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
(*) Phú Mỹ: Một thôn thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Phú Phong: Một thôn thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Phú Phong: Làng thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, có nghề dệt lụa. Con gái Phú Phong có tiếng là đẹp người, đẹp nết.
(*) Phú Yên: Một tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, có đồng bằng Tuy Hòa, được xem là vựa lúa của miền Trung.
(*) Phường Lụa: Vùng đất thuộc thôn Ngân Sơn, xã An Thạch, hịên nay thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày xưa, cư dân nơi này dệt lụa, lãnh nổi tiếng.
(*) Quảng Bình: Một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Dải đất Quảng Bình như một bức tranh hoành tráng, có rừng, có biển với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thắng cảnh nổi tiếng: đèo Ngang, đèo Lý Hoà, cửa biển Nhật Lệ, phá Hạc Hải, Cổng Trời… và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, Hang Sơn Đoòng được công nhận là hang động lớn nhất thế giới. Đây là vùng đất vùng đất văn vật với các di chỉ thuộc nền văn hóa Bàu Tró, Hòa Bình, Đông Sơn và Sa Huỳnh, nhiều di tích lịch sử và các địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc. Trong quá trình lịch sử, đã hình thành nhiều làng văn hóa nổi tiếng và được truyền tụng từ đời này sang đời khác như "Bát danh hương": "Sơn - Hà - Cảnh - Thổ - Văn- Võ - Cổ - Kim".
(*) Sông Ba Lòng: Phụ lưu hợp thành của sông Thạch Hãn, chảy ở huyện Đa Krông tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.
(*) Sông Ba: Bắt nguồn từ núi Ngok Rô ở độ cao 1.549 m, trên dãy Ngok Linh (thuộc tỉnh Kon Tum), sông Ba chảy theo sườn phía Đông của dãy Trường Sơn, qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên để đổ về Biển Đông.
(*) Sông Cầu: Xưa là các thôn Long Bình, Long Hải tổng Xuân Bình huyện Đồng Xuân, tỉnh lỵ Phú Yên từ năm 1899 đến năm 1945. Nay thuộc các phường Xuân Phú và Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
(*) Sông Cầu: Thị xã nằm ở ven biển cực bắc của tỉnh Phú Yên. Nơi đây có chiều dài đường bờ biển lớn nhất tỉnh, với nhiều danh thắng như Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông, Vịnh Hòa, Bãi Tràm, Bãi Bàu...
(*) Sông Côn: Còn gọi là sông Kôn hoặc sông Kone, dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định, đổ ra vịnh Quy Nhơn và đầm Thị Nại.
(*) Sông Dinh: Một nhánh của sông Đà Rằng chảy quanh thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nay đã bị bồi lấp.
(*) Sông Hinh: Một phụ lưu cấp 1 phía hữu ngạn của sông Đà Rằng. Sông chảy qua huyện M'Drăk, tỉnh Đắk Lắk và huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.
(*) Kim Sơn: Sông Kim Sơn của huyện Hoài Ân, Bình Định, khởi nguồn tại các xã Đắc Mang và Ân Sơn. Hai dòng sông An Lão và Kim Sơn gặp nhau tại vùng giáp ranh giữa hai huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn để trở thành sông Lại Giang.
(*) Lại Giang: Sông Lại Giang là sông lớn thứ hai của tỉnh Bình Định, được hình thành từ sự hợp nhất của hai dòng sông là An Lão và Kim Sơn. Sông Lại Giang chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc và đổ ra biển Đông qua cửa An Dũ.
(*) Sông Tam Giang: Sông nằm ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, dài độ 10km phát nguyên từ Hòn Kề chảy thẳng ra biển ở Vũng Chào trong vịnh Xuân Đài. Lòng sông cạn, ghe thuyền muốn ngược dòng lên thượng nguồn phải chờ đến mùa nước lớn.
(*) Sở ông Hoàng: Tòa biệt thự của một người Pháp là Ferdinand d'Orléans, Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I xây cất vào đầu thế kỷ 20. Khi mới xây xong, lầu có 13 phòng rộng cùng nhiều tiện nghi phụ trợ, như máy phát điện đặt dưới tầng hầm, bể chứa nước có thể dùng đủ cả năm, được xem là công trình hiện đại nhất Bình Thuận lúc bấy giờ; tuy nhiên đến nay đã bị phá hủy và chỉ còn là tàn tích. Trong lúc tòa biệt thự xây cất, làng An Hải, hay còn gọi là Ba Hộ, gặp bệnh dịch, bão lụt làm nhiều người chết. Dân gian cho rằng Sở ông Hoàng đã gây ra tai vạ này.
(*) Sơn Hòa: Một huyện miền núi nằm ở phía tây tỉnh Phú Yên, Việt Nam.
(*) Suối Thá: Còn gọi là sông Thá, bắt nguồn từ Ea Chà Rang đổ vào sông Ba ở Tịnh Sơn, tỉnh Phú Yên.
(*) Tuy An: Một huyện ven biển thuộc tỉnh Phú Yên. Nơi đây có hệ sinh thái phong phú, vừa có biển, vừa có núi.
(*) Tuy Hòa: Địa danh nay là thành phố Tuy Hòa trực thuộc tỉnh Phú Yên. Nơi đây được mệnh danh là vựa lúa của miền Trung, có nhiều thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng. Ngày nay, hoạt động kinh tế đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và du lịch.
(*) Thạnh Hội: Thuộc xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, Phú Yên. Phía Đông giáp thôn Đồng Cam, phía Tây giáp thị trấn Củng Sơn, phía nam giáp sông Ba, phía Bắc giáp thôn Ngân Điền. Thạnh Hội có tục lệ gái lấy chồng nếu gặp chàng trai khác xứ thì phải lập nghiệp nơi quê vợ chứ gái Thạnh Hội không theo chồng. Tuy vậy, có một số chàng trai vẫn đem lòng thương yêu để gởi lại nhiều vấn vương sầu nhớ.
(*) Vinh Ba: Một thôn thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, nổi tiếng với nghề đan đát.
(*) Vũng Lấm: Hay Vũng Lắm, còn có tên Ao Xóm Lưới, là vũng nhỏ trong vịnh Xuân Đài thuộc thôn Tân Thạnh, nay là phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu. Thời Chúa Nguyễn, Vũng Lấm từng là quân cảng, thương cảng.