(*) An Ngãi: Làng An Ngãi thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Xưa có nghề dệt lụa.
(*) An Thái: Làng thuộc xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, ở gần chợ Ân.
(*) Ba Gò: Truông Ba Gò nằm ở phía Bắc thị xã Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Trước kia, đây là vùng cây cối rậm rạp, có nhiều giặc cướp và thú dữ.
(*) Ba Xã: Sau đổi thành Hậu Lộc, thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Theo các cụ truyền lại, ngày xưa ở Ba Xã có cây đa từ xa nhìn như cái dù, nên gọi là cây đa dù, ngày nay cây đa này không còn nữa. Xưa kia, ruộng đồng ở đây rộng, nhưng phần lớn tập trung vào tay địa chủ cường hào nên đời sống của người dân rất vất vả. Ngoài việc trồng lúa, Ba Xã còn trồng dưa gang.
(*) Bàu Súng: Ao nước ngọt phía bắc giáp thôn Phú Hòa, phía nam giáp thôn Hòa Đa, và Phú Long, phía đông giáp thôn Giai Sơn, đều thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Phía tây giáp cánh đồng hẹp ruộng bậc thang tiếp giáp đường hỏa xa. Giữa bàu mọc rất nhiều bông súng trắng và hồng nên người dân đặt tên là Bàu Súng.
(*) Bà Bang: Bến đò thuộc xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
(*) Bồ Địch: Ngôi làng thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là nơi sản xuất nhiều chiếu cói và mành tre.
(*) Cẩm Tú: Một thôn thuộc xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Cửa Thần Phù: Cửa Thần Phù vốn là một cửa biển hiểm yếu xa xưa nằm trên tuyến đường thủy hành quân Nam tiến của người Việt nên được gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ trong dân gian và sử sách. Cửa Thần Phù ngày nay đã bị phù sa bồi đắp và trở thành vùng đất nằm cách bờ biển hơn 10 km. Trước đây khu vực này thuộc tỉnh Ninh Bình, dưới thời Nguyễn, một phần được tách về tỉnh Thanh Hóa. Cửa biển Thần Phù hiện nằm trên tuyến sông Nhà Lê, thuộc ranh giới giữa 2 xã Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình và Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa.
(*) Chợ Ân: Chợ thuộc xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, có đặc sản bánh đúc ngon.
(*) Chợ Dinh: Tên xưa của chợ Tuy Hòa, thuộc làng Năng Tịnh, tổng Hòa Bình. Nay nằm giữa 4 con đường Trần Hưng Đạo - Lương Văn Chánh - Lê Lợi - Nguyễn Trãi, thuộc phường 4, gọi là chợ trung tâm thành phố Tuy Hòa. Phía tây nam chợ Dinh có một bia Chăm khắc trên đá núi Nhạn Tháp, các nhà khảo cổ gọi là bia Chợ Dinh.
(*) Chợ Lẫm: Thuộc thôn Mỹ Huân, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngôi chợ có cây đa cổ thụ tán nhánh tỏa ra che mát cả một vùng.
(*) Chợ Xổm: Tên trước đây của chợ Phú Thạnh, thuộc thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Sở dĩ có tên chợ Xổm là vì ngày xưa dân các nơi đến Phú Thạnh lập nghiệp, họ đem sản phẩm mình làm ra trao đổi lấy về những vật dụng, thực phẩm cần thiết cho sinh hoạt, từ đó hình thành chợ mang tên chợ Xổm, do ngồi xổm để họp chợ.
(*) Chùa Bảo Tịnh: Tức Chùa Bảo Tịnh ở số 174 Phan Đình Phùng, thuộc phường 2, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Chùa do Thiền sư Liễu Quán khai sơn vào cuối thế kỷ XVII. Năm 1962, Chùa được trùng tu theo kiểu kiến trúc cổ lầu, mặt tiền xây lầu 3 tầng, mái cong, chính giữa xây đài Tam Bảo, 2 bên là lầu chuông và lầu trống thấp hơn.
(*) Chùa Lầu: Có tên chữ là Phước Lâm Tự, thuộc thôn Tuy Dương, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Chùa được xây dựng vào đời Hậu Lê, cách nay khoảng 300 năm. Chùa xây dựng trên lưng chừng đồi, do kiến trúc được xây dựng theo lối cổ lầu, nên nhân dân quen gọi là chùa Lầu.
(*) Chùa Minh Sơn: Còn gọi là chùa Hang, tọa lạc tại thôn Minh Đức, xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tên chùa Hang có ý nghĩa là một hang đá trên núi với những tảng đá to dựng thành vách có mái che kín đáo. Tương truyền rằng vào cuối thế kỷ XVIII, thiền sư Pháp Tạng, một nhánh của phái Thiền Lâm Tế đã đến ẩn tu và đắc đạo. Sau đó, các vị sư kế nghiệp đến trụ trì và tu hành ở đây gọi là chùa Tổ.
(*) Dốc Mụt: Nằm ở xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, phía sau chùa Lầu khoảng 50 mét. Hai bên dốc có những mô đất mọc lên giống những búp măng từ gốc tre nhú khỏi mặt đất, do vậy dốc được gọi là dốc Mụt.
(*) Đầm Cù Mông: Đầm Cù Mông là tên một vịnh biển nhỏ ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, Đầm Cù Mông dài nhưng hẹp, có diện tích khoảng 26,55 km². Đầm được bao bọc phía ngoài bởi khối núi Cù Mông chạy dài hơn 15 km ra biển tạo nên bán đảo Cù Mông với nhiều phong cảnh đẹp mắt.
(*) Đầm Ô Loan: Đầm nước lợ thuộc huyện Tuy An, nằm chính giữa và thuộc địa phận các xã An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Hải, An Ninh, An Thạch, thị trấn Chí Thạnh. Đầm rộng khoảng 1.200 ha. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, Ô Loan giống như con phượng đang xòe cánh, còn trên bản đồ, Ô Loan giống như con thiên nga đang thong thả bay. Nơi đây có món đặc sản là sò huyết.
(*) Đất Đỏ: Vùng đất đỏ tại Sơn Thành, nay là xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Cù Mông: Đèo Cù Mông nằm trên Quốc lộ 1A, là một trong những đèo núi hiểm trở nhất Việt Nam, đường dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao, dễ gây ra tai nạn giao thông. Đèo là ranh giới của 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên, đồng thời là tuyến đường bộ đi qua một trong những nhánh đâm ra biển của dãy Trường Sơn Nam. Trước đây khi chưa có quốc lộ 1D thì đèo là con đường chính để qua lại giữa Bình Định và Phú Yên.
(*) Xuân Đài: Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây.
(*) Bà Sứ: Khu đồng thuộc xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
(*) Đồng Cọ: Là một vùng trũng ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, một thời đường sá đi lại lầy lội quanh năm. Mùa đông mưa gió lê thê, mưa dai dẳng từ ngày này sang ngày khác, gọi là mưa Đồng Cọ.
(*) Đồng Dài: Địa danh nay thuộc huyện Đồng Xuân, một huyện miền núi Tây Bắc của tỉnh Phú Yên.
(*) Gò Găng: Làng thuộc xã Thuận Chính, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, có nghề làm nón ngựa thường được gọi là nón Gò Găng.
(*) Giếng Bộng: Thuộc thôn Phú Điềm, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tương truyền trước đây xóm Cây Trầu có một khu đất thấp, giữa khu đất có một cái ao, chung quanh bờ ao có cây cối và những dây trầu lương mọc bò lên thân cây ra lá xanh tươi. Dần dần qua năm tháng ao cạn, dân làm ruộng. Giữa ao họ vét giếng đặt bộng gốm, đường kính khoảng 1m, sâu 4m. Cách ao 100m có vườn trồng cau, trầu và giếng đặt bộng gốm kích thước tương tự. Dân quanh vùng đào giếng thường xây bằng đá, chỉ có hai cái giếng này là đặc biệt.
(*) Giếng Vuông: Ngôi làng thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là nơi sản xuất nhiều chiếu cói và mành tre.
(*) Hang Hổ: Hang Hổ nằm trong một ngọn núi cao chừng 100m, tiếp giáp với dãy Trường Sơn, phía nam nối liền với Phú Cốc, phía bắc nối liền với núi Phú Cần, thuộc thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày xưa, nơi này có nhiều hổ sinh sống.
(*) Hiệp Luông: Địa danh thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
(*) Hòa Đại: Làng nay thuộc xã Cát Hiệu, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
(*) Hòn Yến: Hòn Yến Tên một đảo đá cao nằm ngoài khơi xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày xưa nơi đây có rất nhiều chim yến đến làm tổ, nên có tên gọi như vậy. Hiện nay Hòn Yến được xem là một thắng cảnh độc đáo của Phú Yên.
(*) Hưng Long: Làng Hưng Long thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, là nơi trồng nhiều xoài ngon.
(*) Lạc Chỉ: Một thôn thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Làng Chè: Làng Chè xưa là Kẻ Chè, nay là làng Trà Đông (Trà Đúc), xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, có nghề đúc đồng nổi tiếng với lịch sử nghìn năm.
(*) Làng Giàng: Thuộc xã Thiệu Dương, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, xưa có nghề làm vàng mã.
(*) Lê Thái Tổ: Tên thật là Lê Lợi, là vị hoàng đế đầu tiên của triều Hậu Lê. Ông khởi xướng khởi nghĩa Lam Sơn, tự xương là Bình Định Vương, chiến đấu chống lại sự xâm chiếm của quân đội nhà Minh từ năm 1418 cho đến lúc đánh đuổi hoàn toàn quân Minh ra khỏi Đại Việt vào năm 1428. Ông được coi là vị vua huyền thoại của Đại Việt không chỉ bởi tài năng quân sự, mà còn bởi tài cai trị, đã lãnh đạo người dân Đại Việt xây dựng và tái thiết lại một đất nước điêu tàn khi bị quân đội nhà Minh phá hủy mọi thứ.
(*) Lê Thái Tông: Tên húy Lê Nguyên Long, là vị hoàng đế thứ hai của hoàng triều Lê nước Đại Việt. Triều đại của Lê Thái Tông đánh dấu một thời kì thịnh trị trong lịch sử Việt Nam, tiếp nối thành tựu của thời đại Lê Thái Tổ. Dưới thời Lê Thái Tông, trăm họ được hưởng thái bình thịnh trị.
(*) Xóm Lò Giấy: Một địa danh nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Long Thủy: Ngôi làng nằm sát biển có tên cũ là Mỹ Á, trước thuộc xã An Phú, huyện Tuy An, nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Làng nổi tiếng có dừa xiêm uống nước rất ngọt, mát. Vườn dừa Long Thuỷ rợp bóng mát, quanh năm che phủ cả thôn.
(*) Ma Liên: Một làng biển thuộc thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây có Chợ Ma Liên, nay là chợ Mỹ Quang. Chợ họp hàng tháng vào các ngày mùng 1, 11, 21 và mùng 6, 16, 26 âm lịch. Tương truyền xưa thường hay có ma trà trộn vào chợ.
(*) Mũi Nạy: Mũi Điện (còn có tên là Mũi Nạy, mũi Kê Gà) thuộc thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, Phú Yên. Ở đây có ngọn Hải Đăng được người Pháp xây dựng năm 1890, là ngọn Hải Đăng vươn ra xa nhất về phía Đông trên đất liền Việt Nam.
(*) Mỹ Điền: Một thôn thuộc xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Mỹ Hòa: Một thôn thuộc xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Mỹ Phú: Một thôn thuộc xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Mỹ Thành: Một thôn thuộc xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Mỹ Thạnh: Địa phận thuộc xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, nơi có nhiều phong cảnh đẹp. Nay chia ra các thôn: Mỹ Thạnh Đông 1, Mỹ Thạnh Đông 2, Mỹ Thạnh Tây 1, Mỹ Thạnh Tây 2 và thôn Thạnh Trung.
(*) Mỹ Trung: Một thôn thuộc xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Nam Bình: Thôn thuộc xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Núi Chóp Chài: Thuộc địa phận xã Bình Kiến, ngoại ô thành phố Tuy Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km về phía Tây Bắc. Đứng trên độ cao, từ xa trông về hướng núi thì Chóp Chài tựa như một chiếc chài đang khởi vãi trên mặt hồ rộng, vì vậy nên nó có tên chữ là Nựu Sơn (núi như cái nút nhỏ). Còn căn cứ vào hình dáng và thế núi thì nó còn có tên khác là Qui Sơn, bởi khi nhìn gần núi trông giống một con rùa đang thò cổ ra bò trên mặt đồng rộng, mà đầu quay ra quốc lộ. Do đó, Chóp Chài còn có tên gọi trong dân gian là hòn Cổ Rùa.
(*) Núi Chúa: Ngọn núi thuộc nhánh Đông Trường Sơn đâm ngang ra biển trong dãy Đại Lãnh, là ranh giới của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, cao độ 1010 mét. Trên đỉnh luôn có làn mây trắng bao phủ, lại là cửa gió từ các phía thổi tới theo mùa, như gió Tây-Nam, gió Đông-Bắc, gió Nồm… nên nhìn từ xa đỉnh núi Chúa như có rồng vờn lượn quanh năm.
(*) Dinh Ông: Dinh Ông: Núi thuộc xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Ngày trước có miếu thờ Cao Các Quảng độ đại vương tôn thần, gọi là Dinh Ông, nên núi mang tên núi Dinh Ông.
(*) Hàm Rồng: Ngọn núi thuộc tỉnh Thanh Hóa, nằm trong dãy núi Ngũ Hoa Phong. Dãy núi Ngũ Hoa Phong núi tiếp núi trùng điệp, uốn quanh co chạy dọc theo sông Mã. Bên bờ nam sông, dãy núi đột ngột vươn cao, giống hình đầu rồng, nên được gọi là núi Hàm Rồng.
(*) Hòn Dinh: Hòn Tổng Dinh thuộc tỉnh Bình Định có thế rất hiểm, rất hùng, là mật khu của nghĩa quân Cần Vương.
(*) Núi Kim Sơn: Núi Kim Sơn thuộc thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
(*) Núi Sầm: Nằm ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Núi Sầm được bao bọc bởi cánh đồng xanh tốt và làng xóm, tuy là núi nhưng kỳ thực chỉ là dãy đồi thấp, chu vi khoảng trên 1.000 mét, cao chừng 50 mét, cấu tạo bởi đất bazan và sỏi trắng xám.
(*) Ngọc Lâm: Một thôn thuộc xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Phú Câu: Làng Phú Câu (cũ), nay là phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Phú Diễn: Một thôn thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Phú Phong: Làng thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, có nghề dệt lụa. Con gái Phú Phong có tiếng là đẹp người, đẹp nết.
(*) Phú Thuận: Một thôn thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Phước Thành: Thôn thuộc xã Hòa Phong, huyện Tuy Hòa, nay là thôn Phước Thành Đông, Phước Thành Nam, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Soi Bún: Hay Soi Búng, là vùng đất soi nằm giữa sông Chùa và sông Đà Rằng, thuộc thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa. Nơi đây trồng nhiều dưa, đặc biệt là dưa hấu.
(*) Sông Cầu: Thị xã nằm ở ven biển cực bắc của tỉnh Phú Yên. Nơi đây có chiều dài đường bờ biển lớn nhất tỉnh, với nhiều danh thắng như Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông, Vịnh Hòa, Bãi Tràm, Bãi Bàu...
(*) Tăng tổng trấn: Tăng Bạt Hổ tên thật là Tăng Doãn Văn, là chí sĩ Việt Nam tham gia chống Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, chiêu mộ binh lính, rèn đúc vũ khí xây dựng chiến khu chống Pháp tại vùng núi Kim Sơn (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) quê hương ông, là một vùng rừng núi có địa thế hiểm trở.
(*) Tiên châu: Một thôn thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Xưa kia, Tiên Châu là làng lớn nhất trong bốn làng thuộc tỉnh Phú Yên, lại nằm ở cửa biển của vùng vịnh Xuân Đài, cửa ngõ quan trọng nhất của tỉnh Phú Yên trong những năm cuối thế kỷ 19.
(*) Thành Hồ: Thành Hồ nằm trên bờ bắc sông Đà Rằng, thuộc thôn Định Thọ, xã Hoà Định Đông, huyện Phú Hoà. Đây là một toà thành có bình đồ gần với hình chữ nhật, các bờ thành nằm đúng với các hướng đông - tây - nam - bắc. Mặt phía nam giáp sông Đà Rằng, phía tây giáp núi, mặt phía bắc và phía đông giáp với đồng ruộng bằng phẳng. Ngoài ra có một bờ thành thứ năm chạy theo hướng bắc - nam chia Thành Hồ làm hai phần: Phần phía tây còn được gọi là thành nội, phần phía đông còn được gọi là thành ngoại. Thành Hồ, cùng với các di tích Chăm khác ở Phú Yên nằm trong tổng thể chung của các di tích Chăm ở miền Trung.
(*) Vinh Ba: Một thôn thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, nổi tiếng với nghề đan đát.
(*) Vũng Rô: Vũng Rô nằm ở gần đèo Cả, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
(*) Vườn Trầu: Vườn Trầu lúc trước thuộc thôn Liên Trì xã Bình Kiến, nay thuộc Phường 9 và xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Xưa kia, nơi này có tên là Vũng Tàu, vì cả cánh đồng là một cái vũng, biển ăn sâu vào, thương thuyền theo lạch nước đến đậu nơi này mua bán. Lâu ngày, tên đọc trệch đi thành Vườn Trầu. Dần dần phù sa bồi lấp thành đồng ruộng, có các loại nếp rất ngon, như nếp cô bàu, nếp sục sạc, nếp tượng rằn.
(*) An Dân: Một xã thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) Xuân Thọ: Một xã thuộc Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
(*) Xóm Bàu: Thuộc xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì thuở trước xóm là một vũng nước sâu làm thành cái bàu, lâu ngày đất phù sa phủ kín thành ruộng, dân cư đến lập nghiệp sinh sống.